Ông Trump trở lại Nhà Trắng: Chính sách tiền tệ thế giới sẽ bị can thiệp mạnh?
Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể tạo ra những thay đổi lớn trong chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu. Nợ công cao, lãi suất và thuế nhập khẩu là những yếu tố được dự báo sẽ định hình bức tranh tài chính thế giới.
Giới phân tích lo ngại khả năng Tổng thống Donald Trump có thể can thiệp vào lãi suất để duy trì vị thế của đồng USD |
Việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và trở lại Nhà Trắng kể từ đầu năm 2025 có thể mang đến những thay đổi đáng kể đối với chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức. Câu hỏi đặt ra là liệu sự trở lại của ông Trump có đồng nghĩa với sự can thiệp mạnh mẽ vào chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) và tác động thế nào đến kinh tế thế giới?
Ngày 19/12, CTCP Chứng khoán DNSE (Mã DSE - HoSE) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Trump đắc cử - Cơ hội hay thách thức đầu tư chứng khoán”, với sự tham gia của các diễn giả: Ông Trần Ngọc Báu (Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WiGroup), ông Nguyễn Tuấn Anh (Nhà sáng lập FinPeace) và ông Hồ Sỹ Hòa (Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu đầu tư DNSE).
Nợ công và tác động đến chính sách tiền tệ
Theo ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu đầu tư của CTCP Chứng khoán DNSE , Fed hiện có lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 nhưng các yếu tố như nợ công cao và chính sách tài khóa của ông Trump có thể làm chậm quá trình này. Nợ công của Mỹ hiện đã vượt ngưỡng 120% GDP, đồng nghĩa với việc Chính phủ phải gia tăng chi tiêu, có thể in thêm tiền để đáp ứng nhu cầu tài chính, từ đó làm tăng lạm phát.
Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành WiGroup, bổ sung rằng, "trần nợ công" (mức giới hạn vay mà Chính phủ Mỹ có thể thực hiện) thực chất chỉ mang tính chính trị. Mỹ có khả năng in tiền để trả nợ, vì vậy nguy cơ vỡ nợ gần như không tồn tại. Tuy nhiên, với Mỹ, chi phí vay mượn và tác động đến nền kinh tế sẽ là những vấn đề cần cân nhắc.
Một trong những lo ngại chính khi ông Trump tái đắc cử là khả năng Tổng thống sẽ tăng thuế nhập khẩu, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc. Điều này có thể khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, gây áp lực lạm phát nội địa. Tuy nhiên, ông Báu khẳng định, trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, giá cả trong nước Mỹ tăng trưởng chậm, bất chấp các biện pháp thuế mạnh mẽ. Các số liệu như CPI (chỉ số giá tiêu dùng), PPI (chỉ số giá sản xuất) cho thấy giá cả không tăng đột biến, ngoại trừ giai đoạn Covid-19 – một sự kiện bất khả kháng ngoài tầm kiểm soát.
Chính sách tài khóa và khả năng can thiệp vào Fed
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chi tiêu công tăng chậm theo quán tính nhưng nguồn thu từ thuế lại giảm do các chính sách cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp. Điều này tạo áp lực lên ngân sách nhưng không đến mức gây ra lạm phát lớn. Nếu ông Trump trở lại, các chính sách giảm thuế có thể tiếp tục được triển khai và khả năng tăng chi tiêu công để kích thích nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi.
Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Tư vấn & Nghiên cứu đầu tư, CTCP Chứng khoán DNSE |
Theo chuyên gia DNSE, về lý thuyết, Tổng thống Mỹ không thể trực tiếp can thiệp vào chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên, ông Trump có thể gián tiếp tác động thông qua việc thay đổi Chủ tịch Fed hoặc định hướng chính sách. Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu nhận định, sự thay đổi Chủ tịch Fed có thể dẫn đến những tác động lớn đến chính sách tiền tệ, song việc can thiệp mạnh vào Fed thường để lại hậu quả nghiêm trọng như đã từng xảy ra trong thập niên 1980.
Theo các chuyên gia, chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ không chỉ tác động nội bộ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế toàn cầu. Việc ông Trump tái đắc cử có thể làm gia tăng bất ổn ở các thị trường tài chính thế giới, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu vẫn đang là vấn đề nóng. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng.
Nhận diện thách thức
Sự trở lại của ông Trump có thể tạo ra cả cơ hội và thách thức. Trong ngắn hạn, các chính sách cắt giảm thuế và kích thích nền kinh tế có thể hỗ trợ tăng trưởng, song áp lực lạm phát và nợ công cao là những vấn đề mà chính quyền Trump cần giải quyết triệt để. Với thị trường chứng khoán, sự bất định chính trị có thể tạo ra biến động lớn, đòi hỏi nhà đầu tư cần cẩn trọng và theo dõi sát sao các diễn biến chính sách.
Dù khả năng can thiệp trực tiếp vào Fed là thấp, nhưng các chính sách tài khóa và định hướng kinh tế của tân Tổng thống Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến lạm phát, lãi suất và tăng trưởng kinh tế. Nhà đầu tư cần sẵn sàng đối mặt với một giai đoạn biến động lớn, nơi cơ hội và thách thức sẽ đan xen nhau.