Thế giới

5 quân bài mặc cả của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ

Hoài Linh 25/04/2025 07:50

Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra với quy mô toàn diện. Hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ bị áp thuế lên tới 245%, trong khi hàng Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc chịu thuế 125%.

Thương chiến Mỹ Trung. Ảnh: Cornell.edu
Ảnh minh họa: Cornell.edu

Theo BBC, người tiêu dùng, các doanh nghiệp và thị trường đang chuẩn bị đối mặt với những bất ổn lớn hơn nữa trong bối cảnh gia tăng nỗi lo về suy thoái toàn cầu.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng cảnh báo nước này sẽ chiến đấu đến cùng nếu cần thiết. Dưới đây là những "vũ khí" Trung Quốc đang sở hữu để chống lại các đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sức chịu đựng lớn

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, do đó, nước này có thể hứng chịu tác động của thuế quan tốt hơn các quốc gia nhỏ khác. Với hơn 1 tỷ dân, thị trường nội địa của Trung Quốc có thể giúp giảm bớt một số áp lực đối với các nhà xuất khẩu đang phải vật lộn với mức thuế nhập khẩu cao của Mỹ.

Ngoài ra, mức thuế suất cao do Tổng thống Trump ban hành đã tạo cho Chính phủ Trung Quốc động lực mạnh mẽ hơn nữa để giải phóng tiềm năng tiêu dùng của đất nước.

Mary Lovely, chuyên gia về thương mại Mỹ - Trung Quốc tại Viện Peterson ở Washington DC nhận xét, Trung Quốc cũng có ngưỡng chịu đựng tốt hơn và không cần lo lắng nhiều về dư luận. Gần đây, Trung Quốc đã kêu gọi người dân cùng nhau "vượt qua khó khăn" khi hàng hóa xuất khẩu của nước này bị đánh thuế cao.

Dự báo và chuẩn bị tốt cho tương lai

Trung Quốc từ lâu nổi tiếng là công xưởng của thế giới và nước này đã đổ thêm hàng tỷ USD để trở thành công xưởng tiên tiến hơn. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chạy đua với Mỹ để giành quyền thống trị công nghệ.

Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào công nghệ trong nước, từ năng lượng tái tạo tới vi mạch và trí tuệ nhân tạo (AI). Ví dụ, trợ lý ảo của công ty DeepSeek của Trung Quốc được ca ngợi là đối thủ đáng gờm của ChatGPT và BYD đã đánh bại Tesla vào năm ngoái để trở thành nhà sản xuất xe điện (EV) lớn nhất thế giới. Apple đã để mất thị phần của mình tại đại lục vào tay các đối thủ cạnh tranh như Huawei và Vivo. Gần đây, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch chi hơn 1.000 tỷ USD trong thập niên tới để hỗ trợ đổi mới về AI.

Các công ty Mỹ cố gắng di chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nhưng phải vật lộn để tìm được chuỗi cung ứng có cùng quy mô cơ sở hạ tầng và lao động lành nghề ở nơi khác.

Khả năng tinh thông của chuỗi cung ứng vô song và sự hỗ trợ của chính phủ đã biến Trung Quốc thành đối thủ đáng gờm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo một số cách, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho điều này kể từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump.

Vận dụng tốt bài học rút ra từ thời Trump 1.0

Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Trump đánh thuế các tấm pin mặt trời của Trung Quốc vào năm 2018, Bắc Kinh đã đẩy nhanh kế hoạch chuẩn bị cho một tương lai vượt ra ngoài trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào một chương trình thương mại và cơ sở hạ tầng gây tranh cãi, mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường để củng cố quan hệ với Nam bán cầu.

Việc mở rộng thương mại với Đông Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi diễn ra khi Trung Quốc cố gắng tách khỏi Mỹ. Nông dân Mỹ từng cung cấp 40% lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc, song hiện giờ con số này chỉ dao động ở mức 20%. Sau cuộc chiến thương mại gần đây nhất, Bắc Kinh đã đẩy mạnh trồng đậu nành trong nước và mua một lượng kỷ lục mặt hàng này của Brazil, biến quốc gia Nam Mỹ này trở thành nhà cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc.

Marina Yue Zhang, phó giáo sư của Viện quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney bình luận: "Chiến thuật này là một mũi tên trúng hai đích. Nó làm cho vành đai nông nghiệp của Mỹ mất đi một thị trường từng bị giam cầm, đồng thời đánh bóng năng lực đảm bảo an ninh lương thực của Trung Quốc".

Mỹ hiện không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, vị trí đó giờ thuộc về Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 60 quốc gia kể từ năm 2023, gần gấp đôi Mỹ. Là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đạt được thặng dư kỷ lục 1.000 tỷ USD vào cuối năm 2024.

Điều này không có nghĩa, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là đối tác thương mại quan trọng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nó chứng tỏ Washington sẽ không dễ dàng dồn Bắc Kinh vào chân tường.

Sau khi có những thông tin cho biết Nhà Trắng sẽ sử dụng các cuộc đàm phán thương mại song phương với các đối tác thương mại để cô lập Trung Quốc, Bắc Kinh đã cảnh báo các nước không nên "đạt được thỏa thuận bằng cách gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc". Đó sẽ là một lựa chọn bất khả thi đối với phần lớn thế giới.

"Chúng tôi không thể chọn giữa Mỹ và Trung Quốc", Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz chia sẻ với BBC hồi tuần trước.

Trung Quốc biết điểm dừng của ông Trump

Dù cổ phiếu sụt giảm sau các thông báo về thuế nhập khẩu hồi đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Trump vẫn kiên định và ví doanh thu thuế khổng lồ như "thuốc". Song, nhà lãnh đạo này đã bất ngờ đảo ngược quyết định và tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày sau đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.

Kể từ đó, ông Trump đã ám chỉ về việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc, nói rằng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc "sẽ giảm đáng kể nhưng không bằng 0". Vì thế, các chuyên gia chỉ ra rằng, Bắc Kinh hiện đã biết thị trường trái phiếu có thể làm người đứng đầu nước Mỹ bối rối.

Trung Quốc hiện nắm 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Một số người lập luận, điều đó tạo lợi thế cho Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc từng nêu ý tưởng bán hoặc hoãn mua trái phiếu Mỹ như một thứ vũ khí.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc cũng sẽ không "lành lặn" trong tình huống như vậy. Việc coi mua bán trái phiếu Mỹ là vũ khí sẽ dẫn tới tổn thất lớn cho các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào thị trường trái phiếu và làm đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất ổn định.

Tiến sĩ Zhang nhận định, Trung Quốc chỉ có thể gây áp lực bằng trái phiếu chính phủ Mỹ "đến một mức độ nào đó". Theo chuyên gia này, Trung Quốc "đang nắm giữ một con bài mặc cả, không phải vũ khí tài chính".

Kiểm soát đất hiếm

Trung Quốc có thể biến việc khai thác và tinh chế đất hiếm trở thành vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc sở hữu trữ lượng đất hiếm khổng lồ, vốn là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất nam châm và tua bin gió.

Bắc Kinh đã đáp trả thuế đối ứng của ông Trump bằng cách hạn chế xuất khẩu 7 loại đất hiếm, bao gồm một số loại thiết yếu để sản xuất chip AI. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc chiếm khoảng 61% sản lượng đất hiếm và 92% sản lượng đất hiếm tinh chế.

Dù một số quốc gia khác đã bắt đầu khai thác đất hiếm nhưng phải mất nhiều năm Trung Quốc mới có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Năm 2024, Trung Quốc cấm xuất khẩu antimon, một loại khoáng sản rất quan trọng đối với nhiều quy trình sản xuất khác nhau, khiến giá của mặt hàng này tăng gấp đôi trong bối cảnh mua hàng hoảng loạn và truy lùng các nguồn cung thay thế.

Nhiều người lo ngại, điều tương tự có thể xảy ra với thị trường đất hiếm và sẽ gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện tới quốc phòng.

"Mọi thứ bạn có thể bật hoặc tắt có khả năng đều phải dùng đất hiếm... Việc Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ", Thomas Kruemmer, Giám đốc Thương mại và Đầu tư của công ty Ginger, Singapore cảnh báo.

>> Nóng: Trung Quốc tuyên bố không có cuộc đàm phán thương mại nào đang diễn ra với Mỹ

Nóng: Trung Quốc tuyên bố không có cuộc đàm phán thương mại nào đang diễn ra với Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: IMF cần nói 'không', World Bank hãy ngừng coi Trung Quốc là nước đang phát triển

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/5-quan-bai-mac-ca-cua-trung-quoc-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-my-2394644.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    5 quân bài mặc cả của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH