Cú sốc thuế 145%: Doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường Mỹ, nguy cơ nhà máy đóng cửa hàng loạt
Trước mức thuế nhập khẩu lên tới 145%, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đã ngừng giao hàng sang Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác như Trung Đông, Đông Nam Á.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang buộc phải rút lui khỏi thị trường Mỹ, khi mức thuế nhập khẩu mới áp lên hàng hóa Trung Quốc đã tăng lên tới 145%, khiến chi phí vượt xa khả năng chịu đựng của nhiều nhà sản xuất.

Các nhà máy sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như máy pha cà phê, đồ lót hay quần áo thể thao đã tạm ngừng giao hàng sang Mỹ và rút ngắn thời gian vận hành dây chuyền xuống còn 3–4 ngày/tuần. Một số doanh nghiệp thậm chí đã ngừng hẳn hoạt động xuất khẩu sang Mỹ từ đầu tháng Tư.
“Hiện tại, doanh nghiệp chỉ cố gắng sống sót”, bà Vương Tân, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, cho biết. Hiệp hội này đại diện cho khoảng 3.000 doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo bà, nhiều công ty đang đẩy mạnh thanh lý hàng tồn kho, tăng giá sản phẩm và cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc hủy hợp đồng thuê kho tại Mỹ.

Một nhà bán lẻ tại Quảng Châu chuyên kinh doanh qua Amazon, Temu và Shein cho biết họ đã dừng hoàn toàn việc xuất hàng sang Mỹ và tăng giá bán lên đến 30% cho một số mặt hàng phổ biến nhằm cải thiện dòng tiền.
“Chúng tôi đã họp khẩn cấp vào cuối tháng 3 và đi đến kết luận rằng, không thể tiếp tục bám trụ thị trường Mỹ nữa”, ông Hoàng Luân, quản lý kinh doanh của doanh nghiệp này, chia sẻ.
Việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc rút khỏi thị trường Mỹ có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả leo thang đối với người tiêu dùng Mỹ. Tình hình này càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế nếu chính quyền Mỹ không có động thái điều chỉnh chính sách thuế.
Về phía Trung Quốc, việc thị trường xuất khẩu lớn nhất bị gián đoạn đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Theo một khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến, nhiều nhà máy đã giảm sản lượng và sẽ đối mặt với làn sóng đóng cửa, sa thải lao động trong những tháng tới do không thể gánh nổi chi phí hoạt động.

Tại Ninh Ba, một công ty sản xuất rèm cửa với 90% khách hàng đến từ Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới ở Đông Nam Á và Trung Đông. “Chúng tôi chỉ quay lại thị trường Mỹ nếu chính sách thuế được nới lỏng”, một nhân viên kinh doanh tại công ty cho biết.
Bà Vương nhận định, nhiều doanh nghiệp trước đây vẫn bám trụ với hy vọng tận dụng dòng tiền từ thị trường Mỹ để mở rộng sang các khu vực khác. Tuy nhiên, khi thuế tăng từ 54% lên 125% rồi 145%, “nhiều người đã chọn rút lui, bởi nếu tiếp tục, cái chết sẽ đến nhanh hơn”.
Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng loại bỏ đồng USD, thay thế SWIFT
Ông Trump bất ngờ 'xoa dịu' căng thẳng về thuế quan với Trung Quốc