Trung Quốc 'phản đòn' cắt dòng chảy năng lượng từ Mỹ: Trung Đông thế chân, thị trường vận tải khí ‘hồi sinh’ ngoạn mục
Các dòng chảy LPG, ethane, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu thô từ Mỹ sang Trung Quốc đang bị đình trệ do chính quyền Mỹ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, và ngược lại.
Các nhà máy nhựa tại Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) từ Trung Đông nhằm thay thế các lô hàng từ Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan leo thang. Động thái này khiến dòng chảy thương mại toàn cầu bị xáo trộn và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận tải khí vốn đang trì trệ.

Theo các nhà giao dịch, người mua Trung Quốc đã tìm cách hoán đổi các hợp đồng mua LPG từ Mỹ bằng nguồn cung thay thế từ vùng Vịnh, trong đó nổi bật là Tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco. Phía các nhà sản xuất Trung Đông đã chấp thuận hỗ trợ các yêu cầu này.
Cụ thể, ít nhất 7 tàu chở khí siêu lớn (VLGC) chở LPG từ Mỹ, vốn dự kiến cập cảng Trung Quốc trong tháng 5 và 6, hiện đang chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
Đổi lại, các lô hàng từ Trung Đông ban đầu được phân bổ cho những thị trường đó sẽ được chuyển đến Trung Quốc để phục vụ các nhà máy sản xuất nhựa. Saudi Aramco hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Các dòng chảy LPG, ethane, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu thô từ Mỹ sang Trung Quốc đang bị đình trệ do chính quyền Mỹ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, và ngược lại.
Trong đó, LPG và ethane là hai mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do xuất khẩu từ các mỏ dầu đá phiến Mỹ rất lớn, trong khi Trung Quốc có nhu cầu cao để phục vụ sản xuất nhựa. Một số nhà máy Trung Quốc thậm chí đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nếu không đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Theo dữ liệu từ Sàn Giao dịch Baltic, giá cước cho tuyến vận chuyển từ Bờ Vịnh Mỹ sang Nhật Bản đã tăng mạnh từ mức thấp nhất trong gần 4 năm. Cước phí từ Trung Đông đến Nhật Bản cũng đang phục hồi rõ rệt.
Tuy nhiên, không phải nguồn LPG nào cũng tương đồng về mặt chất lượng. Nguồn cung từ Mỹ chủ yếu là propane tinh khiết, trong khi các lô hàng từ Trung Đông thường chứa hỗn hợp propane và butane. Đây là yếu tố khiến các nhà máy khử hydro propane (PDH) tại Trung Quốc, vốn ưa chuộng propane để sản xuất nhựa, có thể gặp khó khăn trong việc thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Mỹ.
Trong bối cảnh thương chiến chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết tại một hội nghị kín với các nhà đầu tư rằng “căng thẳng thuế quan với Trung Quốc là không thể duy trì lâu dài”, và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần sớm tìm cách tháo gỡ bất đồng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa có tuyên bố được đánh giá là tích cực nhất kể từ đầu cuộc chiến thương mại, khẳng định ông sẽ “rất mềm mỏng” trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, Quỹ đầu tư Arab Energy Fund (trụ sở tại Ả Rập Xê Út) đã đồng ý cung cấp khoản vay tư nhân trị giá 100 triệu USD cho công ty dầu khí Trung Quốc United Energy Group, cho thấy mối liên kết tài chính giữa Trung Quốc và Trung Đông đang được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.
Ngoài ra, doanh nghiệp và chính quyền Trung Quốc đã tăng mạnh hoạt động phát hành trái phiếu bằng USD và euro, đẩy tỷ trọng trái phiếu ngoại tệ trong tổng số trái phiếu tại các thị trường mới nổi lên mức cao kỷ lục trong tháng này. Đây được xem là một tín hiệu cho thấy khả năng thích nghi và sức chống chịu của Trung Quốc trước các biến động từ cuộc chiến thương mại kéo dài.