Thế giới

'Tấn công' Fed, siết đồng minh, áp thuế toàn diện: Ông Trump đang tự làm nước Mỹ suy yếu?

Thanh Lê 23/04/2025 - 10:09

Các đòn công kích của ông Trump nhằm vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang khiến thế giới ngày càng lệch khỏi quỹ đạo do Mỹ dẫn dắt, khi các chính phủ và nhà đầu tư dần mất niềm tin vào đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ.

Chỉ 3 tháng sau khi bước vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, Donald Trump đã khiến nền tảng tài chính toàn cầu trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

Những đòn công kích dồn dập nhắm vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed), bao gồm cả lời đe dọa sa thải Chủ tịch Jerome Powell , đã làm lung lay niềm tin của giới đầu tư vào tính độc lập của thể chế tài chính quan trọng nhất nước Mỹ.

Song song với đó, các chính sách bảo hộ thương mại ngày càng leo thang càng khiến thị trường toàn cầu phải đánh giá lại vai trò của đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ – vốn được xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong mọi thời kỳ bất ổn.

'Tấn công' Fed, siết đồng minh, áp thuế toàn diện: Ông Trump đang tự làm nước Mỹ suy yếu? - ảnh 1
Những cuộc tấn công của ông Trump vào Fed đang đẩy thế giới rời xa trục Mỹ, vì các chính phủ và nhà đầu tư mất niềm tin vào đồng USD và trái phiếu

Trái ngược hoàn toàn với giai đoạn đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi làn sóng "Trump trade" từng tạo nên kỳ vọng vào một nước Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ và hấp dẫn dòng vốn toàn cầu, thì giờ đây, khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” đã chuyển thành “bán tháo tài sản Mỹ”.

Sự thay đổi này không chỉ giới hạn trong phạm vi thị trường tài chính mà còn lan rộng sang các trụ cột khác của hệ thống quốc tế: từ vị thế trung tâm tiêu dùng của người dân Mỹ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các liên minh quân sự.

Tại các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra tại Washington – nơi từng được xem là biểu tượng ổn định của trật tự thế giới – các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư đều đang phải thích nghi với một thực tế mới: chính nước Mỹ đang trở thành tâm điểm bất ổn.

Jens Weidmann, Chủ tịch Commerzbank và là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức, nhận định: “Cấu trúc quyền lực địa chính trị đang được tái định hình ngay trước mắt chúng ta. Đặc quyền của Mỹ không còn là điều bất biến”.

Ông Trump đang yêu cầu Fed cắt giảm lãi suất ngay lập tức, đồng thời đặt câu hỏi về quyền lực của cơ quan này, điều vốn được xem là cấm kỵ trong truyền thống quản trị tài chính Mỹ.

Dù các chuyên gia pháp lý khẳng định ông không có thẩm quyền sa thải Chủ tịch Powell, nhưng thiệt hại lớn nhất không nằm ở hành động cụ thể mà ở hậu quả dài hạn: thị trường bắt đầu nghi ngờ tính độc lập của Fed.

Ngân hàng Barclays cảnh báo, ngay cả khi khả năng ông Powell bị sa thải còn thấp, thì nguy cơ Fed mất độc lập vẫn là một rủi ro đáng kể đối với đồng USD. Chính Barclays đã hạ dự báo về triển vọng đồng USD trong một báo cáo gần đây.

Tâm lý hoài nghi lan rộng sau khi Trump tuyên bố áp thuế gần như toàn diện với các đối tác thương mại lớn.

Thay vì đổ tiền vào Mỹ để tận dụng lợi suất hấp dẫn, nhà đầu tư nước ngoài lại đang rút vốn. Hiện nay, họ đang nắm giữ khoảng 19.000 tỷ USD cổ phiếu Mỹ, 7.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 5.000 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp. Nếu xu hướng tháo chạy lan rộng, hậu quả sẽ vô cùng lớn.

David Kelly, chiến lược gia trưởng tại JPMorgan Asset Management, nhận định, “Việc Mỹ quay ngoắt sang chính sách bảo hộ đang làm tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin toàn cầu. Khi niềm tin sụt giảm, người ta sẽ không còn sẵn sàng trả giá cao cho tài sản Mỹ”.

'Tấn công' Fed, siết đồng minh, áp thuế toàn diện: Ông Trump đang tự làm nước Mỹ suy yếu? - ảnh 2
Sàn giao dịch chứng khoán New York

Thị trường tài chính đã phản ứng rõ rệt. Chỉ số S&P 500 giảm gần 10% kể từ ngày 2/4, tương đương khoảng 4,8 nghìn tỷ USD vốn hóa bị “bốc hơi”. Chỉ số Dollar Index cũng giảm hơn 7%, mức tệ nhất kể từ năm 2005.

Trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn được coi là tài sản an toàn nhất thế giới, cũng không tránh khỏi bị bán tháo. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm. Mặc dù có thời điểm điều chỉnh khi ông Trump tạm rút lại một số đe dọa, xu hướng tăng lợi suất đã quay trở lại khi ông tiếp tục chỉ trích Fed.

Mỹ đang mất “quyền lực mềm”, nhưng chưa có đối thủ xứng tầm

Tuy nhiên, dù vị thế tài chính của Mỹ bị lung lay, thế giới vẫn chưa tìm được giải pháp thay thế rõ ràng. Đồng USD hiện vẫn chiếm khoảng 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu và gần 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương.

'Tấn công' Fed, siết đồng minh, áp thuế toàn diện: Ông Trump đang tự làm nước Mỹ suy yếu? - ảnh 3
Đồng USD vẫn tiếp tục thống trị trong thương mại quốc tế

Thị trường trái phiếu Mỹ có quy mô gần 29.000 tỷ USD, độ sâu và thanh khoản chưa có đối thủ. Đồng Euro bị cản trở bởi thiếu sự thống nhất chính trị và cơ chế phát hành nợ chung, trong khi Nhân dân tệ vẫn bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ và chưa đủ minh bạch để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Giáo sư Eswar Prasad (Đại học Cornell, tác giả cuốn The Dollar Trap) cho rằng: “Việc thay thế đồng USD là điều khó xảy ra trong ngắn hạn. Nhưng nếu niềm tin vào thể chế Mỹ tiếp tục bị xói mòn, quá trình tái thiết sẽ cực kỳ gian nan”.

Trong lĩnh vực địa chính trị, Mỹ cũng đang đánh mất ảnh hưởng. Sau thời kỳ Mỹ nỗ lực sử dụng trừng phạt tài chính để gây sức ép lên Nga dưới thời Biden, ông Trump giờ lại muốn đàm phán hòa bình với Moscow, điều khiến liên minh với châu Âu rạn nứt sâu sắc.

Chính quyền Trump cho rằng các đồng minh cần “trả tiền” để được bảo vệ quân sự và tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Stephen Miran, cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump, viết, “Nếu các quốc gia muốn hưởng hai lợi ích công toàn cầu mà Mỹ cung cấp, họ cần chia sẻ gánh nặng một cách công bằng”.

Tại châu Á, các nhà lãnh đạo cũng đang điều chỉnh kỳ vọng. Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tuyên bố, “Thời kỳ toàn cầu hóa dựa trên luật lệ đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới đang mở ra – tùy tiện hơn, bảo hộ hơn và nguy hiểm hơn”.

Trong khi đó, nền tảng tài khóa của Mỹ cũng ngày càng dễ tổn thương. Với nợ công lên đến 29.000 tỷ USD và thâm hụt ngân sách dự kiến 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2025, Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài để tài trợ cho chi tiêu.

'Tấn công' Fed, siết đồng minh, áp thuế toàn diện: Ông Trump đang tự làm nước Mỹ suy yếu? - ảnh 4
Quảng trường Thời đại, New York

Vị thế đầu tư quốc tế ròng của Mỹ hiện ở mức âm gần 26.000 tỷ USD – tức là người nước ngoài sở hữu tài sản tại Mỹ nhiều hơn người Mỹ sở hữu tài sản ở nước ngoài đến mức đáng báo động.

George Saravelos, chiến lược gia toàn cầu tại Deutsche Bank, nhận định rằng các nhà đầu tư cần điều chỉnh quan điểm: “Chính sách đối ngoại giờ đây sẽ tác động trực tiếp đến thị trường tài chính Mỹ. Khi nước Mỹ tự đẩy mình vào thế cô lập, khả năng duy trì niềm tin quốc tế sẽ trở thành thách thức sống còn”.

>> Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới thời Trump 2.0: Nguy cơ đình trệ toàn cầu hóa và suy thoái kinh tế?

Hiện tượng hiếm thấy ở Trung Quốc sau đòn thuế của Tổng thống Mỹ Trump

Bán 20 tỷ USD trái phiếu trong hai tuần: Chủ nợ lớn nhất của Mỹ kích hoạt làn sóng bán tháo toàn cầu?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tan-cong-fed-siet-dong-minh-ap-thue-toan-dien-ong-trump-dang-tu-lam-nuoc-my-suy-yeu-141009.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Tấn công' Fed, siết đồng minh, áp thuế toàn diện: Ông Trump đang tự làm nước Mỹ suy yếu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH