‘Ông trùm’ ngành chip bất ngờ từ bỏ quốc tịch Mỹ, chọn Trung Quốc: Là nhân vật kỳ cựu từng làm việc cho Intel, sở hữu hơn 500 bằng sáng chế
Việc ông Gerald Yin Zheyao, 81 tuổi, thay đổi quốc tịch diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng leo thang.
Người sáng lập, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Công ty Thiết bị Vi điện tử Tiên tiến Thượng Hải (AMEC), ông Gerald Yin Zheyao, đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và khôi phục quốc tịch Trung Quốc, theo báo cáo thường niên công bố hôm 18/4.

Ông Yin, 81 tuổi, là một nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp bán dẫn, từng làm việc tại các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Applied Materials, Lam Research và Intel . Tại Applied Materials, ông đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Tập đoàn và Tổng Giám đốc Nhóm Kinh doanh Khắc Plasma – đóng vai trò chủ chốt trong phát triển thiết bị khắc plasma tiên tiến.
AMEC dưới sự dẫn dắt của ông đã trở thành một trong những công ty sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc , đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược tự chủ công nghệ quốc gia. Năm 2019, AMEC được niêm yết trên sàn STAR Market của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.
Trong các báo cáo thường niên năm 2020, 2021 và 2022 của AMEC, ông vẫn được liệt kê là công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong báo cáo năm 2023, công ty không đề cập đến quốc tịch của ông.
Việc thay đổi quốc tịch của ông Yin là một dấu hiệu mới cho thấy sự phân tách ngày càng sâu sắc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn giữa Trung Quốc và Mỹ, giữa bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang.
Vào tháng 10 năm 2022, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành các hạn chế mới, cấm các “cá nhân Hoa Kỳ” tham gia vào “phát triển hoặc sản xuất chip tại một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc”.
Năm ngoái, hai giám đốc kỹ thuật chủ chốt của AMEC mang quốc tịch Mỹ, Ni Tuqiang và Yang Wei, đã rút khỏi vị trí công tác. Khi đó, AMEC cho biết sự ra đi của họ “không ảnh hưởng tiêu cực đáng kể” đến tiến độ R&D, năng lực vận hành hoặc khả năng cạnh tranh của công ty.
Cổ phiếu của AMEC niêm yết tại Thượng Hải không biến động trong phiên giao dịch ngày 18/4, giữ nguyên ở mức 190 NDT (tương đương 26 USD).
Báo cáo thường niên năm nay của AMEC được công bố chỉ vài tháng sau khi công ty này được Bộ Quốc phòng Mỹ gỡ khỏi danh sách đen các doanh nghiệp bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. AMEC từng bị đưa vào danh sách này vào tháng 1 năm ngoái và bất ngờ được rút tên khỏi danh sách hôm 13/12, không có lý do nào được đưa ra.

Ông Gerald Yin Zheyao đã thành lập AMEC vào năm 2004, chuyên cung cấp thiết bị vi chế tạo cho ngành công nghiệp bán dẫn. Dưới sự lãnh đạo của ông, AMEC đã trở thành một trong những công ty thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc, với các sản phẩm được sử dụng tại hơn 70 nhà máy sản xuất wafer trên toàn cầu. Năm 2019, AMEC niêm yết cổ phiếu trên sàn STAR Market của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải.
Năm 2024, doanh thu của AMEC tăng vọt 44,73% so với cùng kỳ năm trước, vượt mốc 9 tỷ NDT, theo báo cáo tài chính. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm trong bốn năm qua của công ty này đạt hơn 40%.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm 9,52%, còn 1,61 tỷ NDT, do chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) tăng mạnh 94,31%, lên mức 2,45 tỷ NDT, trong bối cảnh cạnh tranh nội địa ngày càng gay gắt.
AMEC cho biết họ đã đẩy nhanh đáng kể quy trình R&D, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm mới từ 3–5 năm xuống còn dưới 2 năm, đồng thời có thể thương mại hóa thiết bị “một cách suôn sẻ”. Công ty đặt mục tiêu “rút ngắn khoảng cách” với các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip cao cấp và “đuổi kịp và vượt qua” đối thủ, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.
Sinh năm 1944, ông Yin là một trong những nhà tiên phong của ngành thiết bị chế tạo bán dẫn Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ông theo học sau đại học tại Đại học Bắc Kinh và sau đó nhận bằng Tiến sĩ Hóa lý tại Đại học California, Los Angeles (UCLA).
Ông sở hữu 98 bằng sáng chế tại Mỹ và hơn 426 bằng sáng chế quốc tế. Năm 2018, ông được VLSI Research vinh danh là một trong "Top 10 Ngôi sao của ngành công nghiệp bán dẫn quốc tế". Năm 2020, ông được Forbes Trung Quốc bình chọn là một trong "50 CEO xuất sắc nhất Trung Quốc".
Theo SCMP
>> Mỹ áp thuế lên tới hơn 3.500% với một mặt hàng từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam
Thị trường tổn thất lớn sau động thái của Tổng thống Mỹ Trump và Trung Quốc
Nóng: Ngay trong tuần này, ông Trump sẽ công bố mức thuế với chip bán dẫn