Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD?

Đăng Đức 22/04/2025 - 13:42

Trong 11 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn gạo từ Việt Nam, với tổng giá trị đạt khoảng 679 triệu USD. Điều này giúp “xứ sở vạn đảo” duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của nước ta trong năm ngoái.

Indonesia sẽ không còn cần nhập khẩu gạo bắt đầu từ năm 2025, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề lương thực của nước này, Zulkifli Hasan cho biết vào Chủ nhật (20/4) khi viện dẫn dữ liệu gần đây cho thấy sản lượng gạo trong nước đã được cải thiện đáng kể.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD? - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Điều phối Lương thực Cộng hòa Indonesia Zulkifli Hasan và con gái đầu lòng Futri Zulya tại Cung điện Nhà nước ngày 15/6/2022 - Ảnh: tribunnews

Ông Zulkifli cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang trên đà đạt được khả năng tự cung tự cấp về gạo, với thêm 1,5 triệu tấn dự kiến sẽ được thu hoạch từ nông dân địa phương vào cuối tháng 4 năm nay. Theo vị Bộ trưởng này, sự gia tăng nguồn cung trong nước của Indonesia sẽ loại bỏ nhu cầu nhập khẩu thêm gạo.

“Nói đơn giản, chúng ta đã đạt được khả năng tự cung tự cấp về lương thực kể từ tháng Tư, nhờ vào việc phân phối phân bón thuận lợi và giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà”, ông Zulkifli nói tại Jakarta hôm 20/4 vừa qua.

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'nợ ngập đầu'

Theo dữ liệu của Chính phủ Indonesia, Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) hiện đang nắm giữ khoảng 1,8 triệu tấn gạo trong kho dự trữ quốc gia. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp “xứ sở vạn đảo” dự báo sản lượng gạo quốc gia sẽ đạt 32 triệu tấn vào năm 2024, với mức dư thừa gần 10 triệu tấn được kỳ vọng vào cuối năm 2025.

Chính quyền của Tổng thống Prabowo Subianto đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là Indonesia sẽ ngừng nhập khẩu không chỉ gạo mà còn cả đường và muối bắt đầu từ năm tới như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm hướng tới nền nông nghiệp tự chủ.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp quốc gia Đông Nam Á này, ông Andi Amran Sulaiman cũng bày tỏ sự lạc quan khi tuyên bố rằng Indonesia đang trên đà ghi nhận mức dư thừa 12 triệu tấn gạo “trong tương lai không xa”.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD? - ảnh 2
Một người đàn ông đi mua gạo tại chợ truyền thống ở Jakarta, Indonesia vào ngày 3/7/2024 - Ảnh: Antara/Bayu Pratama S

Nếu Indonesia dừng nhập khẩu gạo trong năm 2025, điều đó sẽ tạo ra một sự sụt giảm về nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo BSP, trong 11 tháng năm 2024, Indonesia nhập khẩu 3,85 triệu tấn gạo, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng gạo nhập khẩu này chủ yếu đến từ Thái Lan (1,19 triệu tấn), Việt Nam (1,12 triệu tấn) và Myanmar (642.000 tấn).

Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, năm 2024 kim ngạch thương mại song phương cũng như kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tăng trưởng ở mức hai con số.

Tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 1.120.339 tấn, đạt giá trị 679 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và 10,4% về giá trị. Với giá trị và số lượng gạo xuất khẩu trong kỳ, Indonesia tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong 2024.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD? - ảnh 3
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2025 sẽ trở nên khó khăn hơn - Ảnh: VnEconomy

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nguồn cung lúa gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng và sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 khoảng 2,3 triệu tấn lên 56,3 triệu tấn.

>> Ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thúc giục Chính phủ tung đòn trả đũa Mỹ

Ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Nhiều nước xuất khẩu gạo trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh nguồn cung lương thực, bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã mở lại cung hàng. Có thể, vì những lý do trên, giá gạo xuất khẩu trung bình có thể giảm xuống”.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cùng chung quan điểm với giới chuyên gia, giá gạo có thể giảm khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có khi chất lượng được chú trọng để đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.

Theo Jakarta Post

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lo bị tổn hại vì ông Trump, sợ ô tô và hàng điện tử của Việt Nam chiếm thị phần

Ô nhiễm kim loại nặng đe dọa hàng trăm triệu ha đất canh tác lúa gạo, loạt quốc gia châu Á nằm trong vùng nguy hiểm

VinFast có bước tiến mới tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-bat-ngo-ngung-nhap-khau-gao-muon-tu-cung-tu-cap-viet-nam-ton-that-hang-tram-trieu-usd-140947.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, muốn tự cung tự cấp: Việt Nam tổn thất hàng trăm triệu USD?
    POWERED BY ONECMS & INTECH