Ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thúc giục Chính phủ tung đòn trả đũa Mỹ
Không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan nhập khẩu đối ứng với nhiều nước, trong đó có Indonesia, ngành Công nghiệp Ô tô và Phụ tùng ô tô của "xứ sở vạn đảo" muốn chính quyền nước mình ngay lập tức “phản pháo”.
Hiệp hội Công nghiệp Ô tô và Phụ tùng Ô tô Indonesia (GIAMM) đã kêu gọi Chính phủ nước này xem xét áp dụng các mức thuế đáp trả đối với Mỹ sau khi Washington gần đây quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm từ một số quốc gia, bao gồm cả Indonesia.
“Nếu họ áp thuế cao, chúng ta cần đáp lại tương xứng. Thuế đáp trả thuế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có thể xem xét các lựa chọn khác, chẳng hạn như điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ để khôi phục sự cân bằng”, Tổng Thư ký GIAMM, ông Rachmat Basuki, nói với hãng tin Antara.

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia đã lường trước khả năng trở thành mục tiêu của chính sách thuế mới từ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và đã tiến hành đàm phán với Nhà Trắng từ đầu năm nay với hy vọng có thể điều chỉnh chính sách này.
Ông Basuki bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của việc Mỹ khi tăng thuế đối với xuất khẩu linh kiện ô tô của Indonesia. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Indonesia đối với phụ tùng ô tô, chỉ xếp sau Nhật Bản và mức thuế cao hơn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất xuất khẩu quốc gia.

“Trước đây, thuế nhập khẩu vào Mỹ tương đối thấp. Giờ đây, với việc tăng thuế, đây trở thành thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành của chúng tôi”, ông Basuki nói thêm.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (Celios), kim ngạch xuất khẩu ô tô của Indonesia sang Mỹ đã đạt 280,4 triệu USD trong năm 2023.
GIAMM cũng đang theo dõi nguy cơ linh kiện ô tô Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa. Làn sóng này được xem là hệ quả từ các chính sách bảo hộ ngày càng gia tăng của Mỹ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.
>> Mỹ phải nhập khẩu cả quả trứng: Cơ hội vàng cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á?
Để đối phó, GIAMM đề xuất Chính phủ Indonesia không chỉ dựa vào thuế quan mà còn cần tăng cường các rào cản phi thuế, như yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa và bắt buộc tuân thủ Tiêu chuẩn Quốc gia Indonesia (SNI), nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ hoặc kém chất lượng.
Hiệp hội cũng kêu gọi Chính phủ “xứ sở vạn đảo” tăng cường nỗ lực ngoại giao thương mại với các đối tác quốc tế để bảo vệ lợi ích công nghiệp quốc gia và duy trì vai trò đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế.
“Dù đối mặt với nhiều thách thức, chúng tôi vẫn lạc quan. Thị trường Mỹ vẫn còn tiềm năng. Miễn là mức thuế Mỹ áp lên hàng Trung Quốc cao hơn chúng tôi, các nhà sản xuất của chúng tôi vẫn có cơ hội cạnh tranh”, ông Basuki cho biết.
Theo Jakarta Globe
>> Gần 10 triệu công chức Nhà nước ở ‘nền kinh tế số 1 Đông Nam Á’ sắp được hưởng trợ cấp đặc biệt
Người Mỹ gánh chịu 'cú sốc kép' từ việc đánh thuế của ông Trump
Ông Trump giải thích việc miễn thuế đồ công nghệ, cảnh báo thuế bán dẫn