Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'đại cắt giảm': Công chức khốn đốn vì phải tắt đèn, tắt điều hòa, rời văn phòng lúc 4h chiều
Nhiều văn phòng Chính phủ tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hiện phải tắt đèn và máy điều hòa ngay lập tức khi ngày làm việc kết thúc vào lúc 16h chiều, khiến một số nhân viên phải cố gắng hoàn thành dự án ở điều kiện thiếu ánh sáng, trong khi những người khác được khuyến khích làm việc tại nhà.
Indonesia thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến giới công chức bức xúc
Từ việc tắt đèn văn phòng cho đến các thang máy ngừng hoạt động, các công chức Indonesia  đang cảm thấy khó khăn sau khi Tổng thống nước này, ông Prabowo Subianto ra lệnh cắt giảm ngân sách toàn diện nhằm tài trợ cho những cam kết tranh cử đầy tham vọng của mình.

Indonesia hiện là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á  khi theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, trong năm 2025, “xứ sở vạn đảo” vẫn dẫn đầu khu vực với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là gần 1.493 tỷ USD. Xếp sau Indonesia trong top 3 lần lượt là Singapore (gần 562 tỷ USD) và Thái Lan (hơn 545 tỷ USD).
Theo nhật báo Jakarta Post, nhiều văn phòng Chính phủ tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hiện phải tắt đèn và máy điều hòa ngay lập tức khi ngày làm việc kết thúc vào lúc 16 giờ chiều, khiến một số nhân viên phải cố gắng hoàn thành dự án sau giờ hành chính tại bàn làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Trong khi đó, những người khác được khuyến khích làm việc tại nhà để tiết kiệm chi phí năng lượng.
Việc thắt chặt chi tiêu của các Bộ ngành diễn ra sau khi Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto ra lệnh cắt giảm ngân sách vào cuối tháng 1 năm nay để tiết kiệm 306,7 nghìn tỷ rupiah (18,8 tỷ USD) cho chi tiêu văn phòng, nghi lễ và các chuyến công tác.
Sắc lệnh này khiến các Bộ ngành phải chật vật ứng phó và một số quan chức rơi vào tình trạng mù tịt thông tin, trong khi các nhà phân tích cho rằng động thái đột ngột này có thể nhằm chuyển ngân sách sang các chương trình như kế hoạch cung cấp bữa ăn miễn phí trị giá 4,3 tỷ USD cho học sinh và một quỹ đầu tư quốc gia mới.
“Bạn có thể tưởng tượng được cảnh làm việc trong văn phòng, chỉ có phòng của bạn sáng đèn, mọi thứ khác đều tắt điện không?” - một công chức 35 tuổi nói. “Không có âm thanh nào cả. Thật sự im lặng đến đáng sợ. Nó tạo nên một bầu không khí khác lạ”.
Các nhân viên tuần tra cũng bắt đầu tắt các thiết bị điện tử sau giờ làm việc, tuân theo chỉ thị yêu cầu nhân viên rời văn phòng đúng giờ. “Có một thông báo yêu cầu (nhân viên) phải rời khỏi cơ quan lúc 4h chiều (16h). Mọi người được khuyến khích ra về sớm và tắt điều hòa cùng tất cả các thiết bị điện tử”, một công chức chia sẻ, yêu cầu giấu tên vì lo ngại ảnh hưởng đến công việc.
“Trước đây, không có ai tuần tra cả. Bây giờ thì văn phòng tối hơn và nhiệt độ điều hòa đã được cài đặt”.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, người nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, cho biết ông muốn huy động khoảng 46 tỷ USD từ việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ và trích từ cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước.
“Con cái của chúng ta không được đói... Người dân của chúng ta, con cái của chúng ta phải được ăn uống đầy đủ”, chính trị gia 73 tuổi này phát biểu tuần trước. Việc cắt giảm ngân sách đã khiến Bộ Công chính Indonesia chỉ còn chưa đến một nửa trong số 6,8 tỷ USD ban đầu được phân bổ trong năm nay, trong khi Bộ Nội vụ nước này chứng kiến ngân sách bị cắt giảm hơn 50% xuống còn 128,6 triệu USD.
Trong khi việc cắt giảm ngân sách gây khó khăn cho nhân viên tại nhiều văn phòng Chính phủ, một phát ngôn viên của Tổng thống Prabowo cho biết hôm 19/2 rằng Chính phủ sẽ tổ chức một chuyến nghỉ dưỡng trên núi kéo dài một tuần cho hàng trăm quan chức khu vực, với chi phí 808.000 USD trích từ ngân sách của Bộ Nội vụ.
Cuộc tụ họp này đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức xã hội dân sự, trong đó một nhóm đã gọi việc cắt giảm chi phí của Tổng thống Prabowo là “phản tác dụng và vô cảm” với nhu cầu của xã hội.
Những sự cắt giảm “ phản tác dụng ”
Các viên chức Chính phủ Indonesia hiện phải tự chi trả cho những nhu cầu thiết yếu trước đây được miễn phí như nước uống và tài khoản Zoom cao cấp; trong khi những người khác không được phép đi công tác nữa, các viên chức này cho biết. “Trước đây, chúng tôi có thể đi taxi để họp bên ngoài văn phòng. Bây giờ, chúng tôi phải tự trả tiền”, một công chức 33 tuổi yêu cầu giấu tên cho biết.
Một quan chức Tòa án Hiến pháp Indonesia đã nói với các nhà lập pháp vào tuần trước rằng việc cắt giảm ngân sách mạnh tay có nghĩa là tiền lương chỉ có thể được trả cho đến tháng 5.

Tại một Bộ, người ta phải xếp hàng dài chờ thang máy mỗi ngày vì số lượng thang máy hoạt động bị cắt giảm để tiết kiệm chi phí năng lượng theo lệnh của lãnh đạo cấp cao. Các nhân viên đã phàn nàn rằng việc cắt giảm không chỉ bất tiện mà còn phản tác dụng với công việc của họ, đồng thời chỉ ra những ví dụ như băng thông internet bị giảm trong khi họ được lệnh phải tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến hơn.
“Chúng tôi hy vọng rằng hiệu quả này sẽ không phản tác dụng và gây mâu thuẫn”, một nhân viên 46 tuổi cho biết. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cũng đã thúc đẩy hàng nghìn sinh viên biểu tình trên khắp cả nước trong tuần này, được hỗ trợ bởi phong trào truyền thông xã hội có tên gọi Indonesia Tăm tối (Dark Indonesia)”.
Bữa ăn miễn phí
Các nhà kinh tế cho biết động thái cắt giảm chi tiêu kể trên cũng xuất phát từ nhu cầu Indonesia phải trả khoản nợ khoảng 49 tỷ USD trong năm nay, bao gồm khoảng 43 tỷ USD trái phiếu Chính phủ sắp đáo hạn.
Ông Yose Rizal Damuri, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta cho biết: “Điều này khiến ngân sách của chúng tôi thực sự căng thẳng”. Nhưng việc cắt giảm này cũng có thể giải phóng nguồn quỹ cho các cam kết vận động tranh cử đầy tham vọng của Tổng thống Prabowo Subianto. “Những gì chúng ta biết bây giờ, đầu tiên là những bữa ăn dinh dưỡng miễn phí”, ông Yose nói. “Thứ hai là để tài trợ cho Danantara Indonesia”, ông Yose nói thêm, ám chỉ đến quỹ đầu tư quốc gia mới dự kiến ra mắt vào tuần tới theo mô hình của Temasek, công ty đầu tư của Singapore.
Tuần trước, Tổng thống Prabowo cho biết 20 tỷ USD tiền tiết kiệm sẽ được bơm vào quỹ này. Ông Dedi Dinarto, cộng sự cấp cao tại công ty tư vấn chính sách công Global Counsel cho biết việc cắt giảm chi tiêu của Chính phủ và xã hội Indonesia có thể có tác động tiêu cực lớn hơn khi các khoản tiền rất cần thiết cho y tế và giáo dục có nguy cơ bị phân phối lại ở đất nước đông dân nhất Đông Nam Á.
Ông cho biết: “Với việc cắt giảm ngân sách dành cho lĩnh vực y tế và giáo dục, điều này có thể làm giảm chất lượng nguồn nhân lực trong dài hạn”. Tại một số cơ quan Chính phủ, những người kiếm tiền chính trong gia đình đã cảm nhận được sự cắt giảm. “Nó ảnh hưởng đến tài chính của người lao động. Tôi có cảm giác bất công”, một công chức Indonesia bức xúc cho biết.
Theo Jakarta Post