Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gia tăng hợp tác với BRICS trong bối cảnh thế giới đầy biến động?

Mộc Ngư 03/04/2025 21:48

Ông Teuku Rezasyah, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran, cho rằng tư cách thành viên BRICS giúp Indonesia có thêm đòn bẩy trong trật tự toàn cầu, đồng thời duy trì quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Mới đây, Indonesia đã chính thức quyết định tham gia Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) – tổ chức tài chính đa phương do BRICS sáng lập, với kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển kinh tế đất nước.

Quyết định này được Tổng thống Prabowo Subianto đưa ra sau cuộc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Jakarta. Trong khuôn khổ cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về các kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời thảo luận về những chương trình ưu tiên trong chiến lược phát triển của Chính phủ Indonesia.

Tổng thống Prabowo Subianto cho biết đã có cuộc thảo luận với Chủ tịch NDB về hàng chục dự án tiềm năng có thể hợp tác, với kỳ vọng tạo động lực mới nhằm thúc đẩy chiến lược chuyển đổi kinh tế quốc gia. Việc Indonesia chính thức trở thành thành viên BRICS từ đầu năm nay càng củng cố cam kết này.

Đối với Indonesia, việc trở thành thành viên giúp nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng cường kết nối với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tiếp cận các khoản vay từ NDB. Nước này cũng có thể được hưởng lợi từ việc nhập khẩu dầu Nga với điều kiện thuận lợi hơn khi là thành viên BRICS.

Đặc biệt, ông Teuku Rezasyah, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Padjadjaran, cho rằng tư cách thành viên BRICS giúp Indonesia có thêm đòn bẩy trong trật tự toàn cầu, đồng thời duy trì quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gia tăng hợp tác với BRICS trong bối cảnh thế giới đầy biến động? - ảnh 1
Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng hướng sự chú ý đến khối BRICS nhằm đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế

Bên cạnh đó, theo DW, có khoảng hơn 30 quốc gia, bao gồm các nước Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia…đã bày tỏ quan tâm hoặc muốn xin gia nhập BRICS. Ở bước đầu, Thái Lan và Malaysia cho biết hai nước này đã trở thành đối tác chính thức của liên minh.

Với tư cách là quốc gia đối tác BRICS, hai quốc gia Đông Nam Á sẽ tham gia thường xuyên vào phiên họp đặc biệt của các Hội nghị Thượng đỉnh và các Hội nghị cấp Ngoại trưởng của BRICS.

BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và sự tham gia của Nam Phi vào năm 2011. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê-Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành thành viên.

Sự quan tâm của các nước Đông Nam Á đối với BRICS phản ánh sự điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh thế giới biến động. BRICS mang lại triển vọng tăng trưởng mới, cơ hội đa dạng hóa thương mại và nguồn tài chính phát triển.

Đối với Malaysia, việc gia nhập BRICS được coi là cơ hội tham gia vào chủ nghĩa đa phương đang phát triển. Ngoài ra, mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quyết định này.

Về phía Thái Lan, mục tiêu gia nhập BRICS không chỉ giúp củng cố vai trò lãnh đạo của nước này trong cộng đồng các quốc gia mới nổi mà còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế. Việc gia nhập cũng có thể được xem là một cách để nước này khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

>> Quốc gia tuyên bố sẽ 'làm mọi thứ' để gia nhập BRICS, khẳng định có thể học hỏi từ Nga

Quốc gia tuyên bố sẽ 'làm mọi thứ' để gia nhập BRICS, khẳng định có thể học hỏi từ Nga

Kế hoạch 'ưu tiên' của BRICS trong năm nay, hệ thống tiền tệ quốc tế có thể sẽ thay đổi?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-gia-tang-hop-tac-voi-brics-trong-boi-canh-the-gioi-day-bien-dong-139684.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gia tăng hợp tác với BRICS trong bối cảnh thế giới đầy biến động?
    POWERED BY ONECMS & INTECH