Ông Trump bịt lỗ hổng, 'giáng đòn mạnh' vào Temu và Shein
Đây không phải lần đầu ông Trump ký sắc lệnh nhằm chấm dứt lỗ hổng thuế quan này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 2/4, chính thức đóng lỗ hổng thuế quan "de minimis" cho phép các kiện hàng giá trị thấp từ Trung Quốc và Hồng Kông nhập khẩu vào Mỹ  mà không chịu thuế.
Sắc lệnh này có hiệu lực từ 12:01 sáng ngày 2/5, ngay sau khi chính quyền Trump công bố loạt thuế quan mới đối với các đối tác thương mại toàn cầu.

Theo Nhà Trắng, quyết định này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick xác nhận hệ thống thu thuế đã sẵn sàng để áp dụng với các lô hàng nhỏ. Trước đây, hàng hóa từ Trung Quốc và Hồng Kông có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế, nhưng từ nay sẽ phải chịu các mức thuế suất mới.
Cụ thể, các kiện hàng gửi qua bưu chính quốc tế có giá trị dưới 800 USD sẽ chịu mức thuế 30% hoặc 25 USD/kiện. Sau ngày 1/6, mức thuế này sẽ tăng lên 50 USD mỗi kiện. Những kiện hàng vận chuyển ngoài hệ thống bưu chính quốc tế sẽ bị áp dụng đầy đủ các loại thuế nhập khẩu.
Đây không phải lần đầu ông Trump ký sắc lệnh nhằm chấm dứt lỗ hổng thuế quan này. Vào ngày 1/2, ông đã ban hành một lệnh tương tự nhưng sau đó phải tạm dừng do khó khăn trong khâu kiểm tra hàng triệu lô hàng giá trị thấp nhập khẩu vào Mỹ mỗi ngày.
Sau khi giải quyết được vấn đề hậu cần, chính quyền Trump quyết định triển khai trở lại. Một nguồn tin cho biết: "Họ đã tìm ra cách xử lý. ‘De minimis’ từ Trung Quốc  đã chính thức bị loại bỏ".
Việc siết chặt quy định này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nền tảng thương mại điện tử như Temu và Shein, vốn đã tận dụng kẽ hở thuế quan để cung cấp hàng giá rẻ trực tiếp từ nhà sản xuất Trung Quốc đến tay người tiêu dùng Mỹ. Điều này giúp họ tránh được thuế nhập khẩu mà các nhà bán lẻ truyền thống phải chịu, từ đó có thể bán hàng với giá rẻ hơn nhiều so với các chuỗi như Amazon, Hobby Lobby, Party City và Dollar Stores.

Tuy nhiên, khi quy định mới có hiệu lực, các công ty này sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Ngay sau thông tin về sắc lệnh, cổ phiếu của công ty mẹ Temu, PDD Holdings, đã giảm 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ, trong khi cổ phiếu của Alibaba và JD.com tại Hồng Kông cũng mất tới 6% giá trị.
Không chỉ là vấn đề thương mại, quyết định này còn gắn liền với nỗ lực của ông Trump trong cuộc chiến chống ma túy. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết trừng phạt Trung Quốc vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng fentanyl, loại ma túy tổng hợp đã khiến hơn 450.000 người Mỹ tử vong trong một thập kỷ qua.
Các quan chức chống ma túy Mỹ cho biết, băng đảng Mexico sử dụng hóa chất từ Trung Quốc để sản xuất fentanyl, sau đó vận chuyển qua biên giới Mỹ. Một cuộc điều tra của Reuters vào năm ngoái phát hiện rằng nhiều kẻ buôn lậu đã lợi dụng quy định de minimis để đưa các hóa chất này vào Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phủ nhận trách nhiệm trong vấn đề này.
Ngoài việc áp thuế, sắc lệnh của Trump cũng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các công ty vận chuyển hàng từ Trung Quốc và Hồng Kông. Các hãng này phải báo cáo chi tiết lô hàng với Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP), duy trì một khoản tiền bảo lãnh quốc tế để đảm bảo thanh toán thuế và chuyển thuế cho CBP theo lịch trình cố định.
CBP có thể yêu cầu thực hiện thủ tục nhập khẩu chính thức đối với bất kỳ kiện hàng nào thay vì áp dụng mức thuế cố định. Trong vòng 90 ngày tới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ đánh giá tác động của sắc lệnh và xem xét khả năng mở rộng các quy định này đối với hàng nhập khẩu từ Macau.
Theo Reuters
>> Mỹ áp thuế đối ứng với cả thế giới nhưng thép, nhôm sẽ được miễn trừ 
Mỹ áp thuế khủng, Trung Quốc đáp trả đanh thép: 'Hãy hủy bỏ ngay lập tức!' 
Trung Quốc kêu gọi đảm bảo an toàn cho đoàn cứu trợ ở Myanmar