Thuế nhập khẩu cao nhất hơn 100 năm: Cú xoáy mới vào nền kinh tế toàn cầu đang dần kiệt sức
Động thái áp thuế của ông Trump không chỉ làm gia tăng căng thẳng thương mại mà còn đe dọa nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chật vật hồi phục sau đại dịch và chịu áp lực từ nợ công kỷ lục.
Giới phân tích nhận định vòng thuế quan mới nhất của Mỹ , được công bố hôm 3/4, sẽ tiếp tục bào mòn sức sống của nền kinh tế toàn cầu - vốn chỉ vừa gượng dậy sau cơn bão lạm phát hậu đại dịch.
Trong bối cảnh nợ công chạm mức kỷ lục và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang, động thái này có thể trở thành bước ngoặt đối với hệ thống toàn cầu hóa, nơi Mỹ – trụ cột lớn nhất – từng được xem là điểm tựa vững chắc.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, nhận định: "Thuế quan của ông Trump  có nguy cơ phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà chính Mỹ đã dẫn dắt từ sau Thế chiến II".

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tác động rõ rệt nhất của các mức thuế mới là việc đẩy giá hàng hóa lên cao – làm giảm sức mua của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Antonio Fatas, chuyên gia kinh tế tại Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp), cảnh báo: "Tôi thấy đây là tín hiệu cho sự suy yếu của cả kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, làm gia tăng bất ổn và có thể dẫn đến suy thoái. Chúng ta đang bước vào một thế giới kém hiệu quả hơn và điều đó gây bất lợi cho tất cả mọi người".
Thuế suất cao nhất trong hơn một thế kỷ
Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, đồng thời giơ biểu đồ cho thấy thuế suất cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn – gồm 34% với Trung Quốc và 20% với Liên minh châu Âu (EU).
Mức thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô cũng đã được xác nhận trước đó. Ông Trump cho biết chính sách này nhằm khôi phục năng lực sản xuất chiến lược trong nước.
Theo Olu Sonola, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ tại Fitch Ratings, việc áp thuế mới đã khiến mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu tăng vọt lên 22% – mức cao nhất kể từ năm 1910 – so với chỉ 2,5% vào năm 2024.
"Đây là một cú sốc lớn, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn với kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái", Sonola nhận xét.

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói rằng bà chưa thấy nguy cơ suy thoái toàn cầu ở thời điểm hiện tại. Nhưng IMF dự kiến sẽ điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 từ mức 3,3%.
Mức tác động của thuế quan đối với từng quốc gia sẽ rất khác nhau, khi thuế suất dao động từ 10% đối với Anh đến 49% đối với Campuchia. Nếu các động thái này châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại diện rộng, Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi buộc phải tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy yếu.
Đáng lo ngại hơn, nếu chính sách thuế quan này đẩy chính nước Mỹ vào suy thoái, các nền kinh tế đang phát triển – vốn phụ thuộc lớn vào sức mua của Mỹ – sẽ chịu tổn thất nặng nề.
Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, lưu ý: "Những gì xảy ra ở Mỹ không chỉ dừng lại ở Mỹ. Nền kinh tế Mỹ quá lớn và kết nối chặt chẽ với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và dòng vốn để các nước khác có thể đứng ngoài cuộc".
Một "thế giới đảo ngược"
Tác động lan tỏa của chính sách thuế quan cũng có thể đặt ra những thách thức lớn đối với các Ngân hàng Trung ương và Chính phủ.
Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng – vốn đã giúp giữ giá cả ổn định trong nhiều năm – có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao hơn 2%, ngưỡng mà hầu hết các ngân hàng coi là mục tiêu kiểm soát hợp lý.
Điều này sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, khi họ có thể phải đối mặt với áp lực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong khi các Ngân hàng Trung ương lớn khác đang hướng đến chính sách nới lỏng tiền tệ.

Những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ô tô như Nhật Bản và Hàn Quốc – lần lượt chịu mức thuế 24% và 25% – đã lên kế hoạch triển khai các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong khi đó, các Chính phủ vốn đang chật vật với tăng trưởng kinh tế yếu sẽ càng khó khăn hơn trong việc xử lý khoản nợ toàn cầu kỷ lục 318.000 tỷ USD, cũng như phân bổ ngân sách cho quốc phòng, biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội.
Một câu hỏi đặt ra là nếu thuế quan không thể hiện thực hóa mục tiêu thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước mà ông Trump theo đuổi – nhất là khi Mỹ đang thiếu lao động trầm trọng – thì đâu sẽ là bước đi tiếp theo?
Một số chuyên gia lo ngại vị Tổng thống có thể tìm cách khác để thu hẹp thâm hụt thương mại, chẳng hạn bằng cách gây áp lực buộc các nước khác phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái có lợi cho xuất khẩu của Mỹ.
Nếu điều đó xảy ra, giới phân tích cảnh báo vị thế đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu có thể bị đe dọa – dù ít khả năng xảy ra ngay lập tức, bởi hiện tại chưa có đồng tiền nào đủ sức thay thế USD.
Dù vậy, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm 3/4 đã cảnh báo rằng châu Âu cần phải hành động ngay để đẩy nhanh cải cách kinh tế nhằm cạnh tranh trong một thế giới mà bà gọi là "đảo ngược".
"Thế giới từng hưởng lợi từ một nước Mỹ cam kết duy trì trật tự đa phương dựa trên quy tắc", bà Lagarde phát biểu tại một sự kiện ở Ireland. "Nhưng giờ đây, chúng ta phải đối mặt với sự khép kín, phân mảnh và bất định".
Theo Reuters
>> Giải mã thuế đối ứng gây chấn động thế giới: Mỹ tính mức thuế suất như thế nào?