Thế giới

Chiến tranh thương mại trở lại: Ông Trump sẽ kích hoạt làn sóng khủng hoảng toàn cầu?

Đô Sa 03/04/2025 - 14:04

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thương mại vào ngày 2/4, theo đó, hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ bị áp các mức thuế đối ứng mới.

Thông báo áp thuế của Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư ồ ạt tìm đến các tài sản được xem là an toàn hơn. Phản ứng chung từ giới phân tích khá bi quan, thậm chí có ý kiến cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ đang gia tăng.

Chiến tranh thương mại trở lại: Ông Trump sẽ kích hoạt làn sóng khủng hoảng toàn cầu? - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thương mại vào ngày 2/4, theo đó, hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ bị áp các mức thuế đối ứng mới

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến chuyên gia và giới phân tích:

Tai Hui, Giám đốc chiến lược thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, J.P. Morgan Asset Management:

Tuyên bố hôm nay có thể đẩy mức thuế trung bình của Mỹ lên cao nhất kể từ đầu thế kỷ 20. Nếu những mức thuế này duy trì lâu dài, chúng có thể gây áp lực lớn lên lạm phát, nhất là khi ngành sản xuất Mỹ gặp khó trong việc mở rộng công suất, còn chuỗi cung ứng thì chuyển chi phí sang người tiêu dùng. Ví dụ, các nhà sản xuất chip tiên tiến ở Đài Loan (Trung Quốc) khó có thể tự gánh khoản thuế này nếu không có giải pháp thay thế khả thi.

Ông nói thêm rằng, quy mô của các mức thuế lần này cho thấy nguy cơ tăng trưởng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ cắt giảm chi tiêu vì hàng nhập khẩu đắt đỏ, trong khi doanh nghiệp có thể hoãn đầu tư do lo ngại về tác động chưa rõ ràng của chính sách thuế và nguy cơ bị trả đũa từ các đối tác thương mại.

David Rosenberg, Chủ tịch và nhà sáng lập Rosenberg Research:

Không ai là người thắng trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Có một điều mà nhiều người vẫn chưa hiểu: khi ai đó nói rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng, rằng gánh nặng sẽ dồn hết lên nhà sản xuất nước ngoài – thì tôi chỉ biết lắc đầu.

Đó là hiểu lầm nghiêm trọng về cách thức vận hành của thương mại quốc tế. Bởi người nhập khẩu mới là người nộp thuế, không phải bên xuất khẩu. Và phần lớn chi phí đó sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng, khiến các hộ gia đình Mỹ sắp phải đối mặt với cú sốc giá cả lớn trong nhiều tháng tới.

Giám đốc chiến lược đa dạng hóa tài sản của UOB Asset Management (UOBAM), Anthony Joseph Raza:

Các con số mà họ đưa ra vượt xa những gì chúng tôi có thể hình dung. Không rõ căn cứ nào để xây dựng mức thuế như vậy. Chúng tôi từng kỳ vọng rằng chính sách này sẽ được triển khai dần dần trong vòng một năm, để có thời gian đàm phán. Nhưng rõ ràng tiến độ đang diễn ra nhanh chóng và tệ hơn cả kịch bản xấu nhất mà chúng tôi dự đoán về độ linh hoạt.

David Roche, Chiến lược gia của Quantum Strategy:

Đây không phải là chính sách mang tính tạm thời. Chúng là cốt lõi trong niềm tin của Tổng thống Trump – một sự chuyển hướng rõ rệt từ toàn cầu hóa sang chủ nghĩa biệt lập và dân tộc, không chỉ trong kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Quá trình này sẽ kéo dài nhiều năm và để lại ảnh hưởng trong nhiều thập kỷ.

Trong ngắn hạn, hãy chờ đợi các động thái trả đũa chứ không phải đàm phán – từ EU (nhắm vào lĩnh vực dịch vụ của Mỹ) và Trung Quốc (tập trung vào các lợi ích chiến lược và doanh nghiệp Mỹ). Tác động của các biên pháp thuế có thể dẫn đến tình trạng đình lạm toàn cầu, cùng với suy thoái ở Mỹ và châu Âu.

Shane Oliver, Kinh tế trưởng và Giám đốc chiến lược đầu tư của công ty AMP:

Ước tính sơ bộ cho thấy thông báo ngày 2/4 có thể khiến mức thuế trung bình của Mỹ vượt qua cả mức từng thấy vào thập niên 1930 dưới thời Smoot-Hawley – từ đó làm gia tăng nguy cơ suy thoái ở Mỹ do niềm tin bị tổn hại và chuỗi cung ứng gián đoạn.

Hiện nguy cơ suy thoái tại Mỹ có thể lên tới 40%, còn tăng trưởng toàn cầu có khả năng bị kéo xuống quanh mốc 2% (từ khoảng 3% hiện tại), tùy thuộc vào mức độ trả đũa và phản ứng kích thích kinh tế từ các quốc gia như Trung Quốc.

Tom Kenny, Chuyên gia kinh tế quốc tế tại ANZ:

Mỹ vừa công bố mức thuế mới cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Theo đó, thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu có thể tăng lên mức 20-25% – mức cao nhất kể từ đầu những năm 1900.

Lợi suất trái phiếu gắn với lạm phát tăng, trong khi thị trường chứng khoán giảm mạnh sau thông báo, cho thấy giới đầu tư lo ngại các mức thuế mới sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao. Diễn biến này cũng khiến thị trường bắt đầu kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm phải cắt giảm lãi suất.

Theo CNBC

>> Nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam: Những doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói gì về cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga, Ukraine?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời khuyên sốc

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chien-tranh-thuong-mai-tro-lai-ong-trump-se-kich-hoat-lan-song-khung-hoang-toan-cau-139667.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chiến tranh thương mại trở lại: Ông Trump sẽ kích hoạt làn sóng khủng hoảng toàn cầu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH