Nếu Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam: Những doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Mức thuế mới có thể gây ra xáo trộn lớn cho nhiều doanh nghiệp, đồng thời, người tiêu dùng Mỹ có thể phải đối mặt với giá cả tăng cao khi các doanh nghiệp cố gắng bù đắp chi phí sản xuất.
Nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ đã chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, với chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump , họ không thể tránh khỏi ảnh hưởng nữa.

Ảnh hưởng bởi thuế quan mới
Mới đây, ông Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong đợt tăng thuế mới công bố rạng sáng ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam). Điều này có thể đẩy chi phí sản xuất lên cao đối với các tập đoàn lớn trong ngành may mặc, nội thất và đồ chơi. Nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí. Mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.

Việt Nam là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Năm 2024, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ đạt 136,6 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 2,8% sau khi đã giảm 18% vào năm 2023 so với năm 2022.
Tuy nhiên, mức thuế mới có thể gây áp lực lên nhiều doanh nghiệp đang cố gắng kiểm soát chi phí, nhất là trong bối cảnh lạm phát kéo dài và người tiêu dùng ngày càng thận trọng trong chi tiêu.
Những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề nhất
Nhiều thương hiệu lớn sẽ gặp khó khăn khi thuế quan đối với hàng hóa từ Việt Nam có hiệu lực. Nike sản xuất khoảng 25% giày tại Việt Nam và cũng phải đối mặt với mức thuế 54% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến cổ phiếu công ty giảm hơn 6%.

Adidas cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Việt Nam. VF Corporation, chủ sở hữu các thương hiệu như The North Face, Timberland, Vans và Jansport, có 38% nhà cung cấp ở Trung Quốc và 17% ở Việt Nam, khiến tổng cộng 55% chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, kéo cổ phiếu giảm hơn 8%.
Deckers Brands, công ty mẹ của Ugg và Hoka, có 68 nhà cung cấp tại Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc với 125 đối tác, khiến cổ phiếu giảm gần 9%. Trong khi đó, Steve Madden đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc 45% và chuyển hướng sang Việt Nam, Campuchia, Mexico và Brazil, nhưng giờ đây cũng sẽ chịu tác động từ mức thuế mới.
Ngành nội thất và đồ chơi cũng chịu tác động mạnh từ mức thuế mới. CEO Wayfair, Niraj Shah, cho biết công ty đã chuyển nhiều nhà máy sản xuất sang Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Thái Lan và Philippines để tránh thuế quan, nhưng giờ đây vẫn bị ảnh hưởng, khiến giá cổ phiếu giảm 12%.
Trong ngành đồ chơi, các công ty lớn như Hasbro, Mattel, Crayola và SpinMaster đều hợp tác với GFT Group, một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất Đông Nam Á, với năm nhà máy tại miền Bắc Việt Nam và hơn 15.000 công nhân.
Trong khi đó, CFO của Funko, Yves LePendeven, cho biết công ty sẽ đàm phán lại chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế và điều chỉnh giá bán để đối phó với mức thuế mới.
Curtis McGill, đồng sáng lập công ty đồ chơi Hey Buddy Hey Pal, dự đoán thuế quan sẽ làm tăng giá đồ chơi tại Mỹ, nhưng các công ty sẽ cố gắng thương lượng với nhà cung cấp tại Việt Nam để giảm chi phí.
Peter Baum, CFO và COO của Baum Essex (doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu như Nautica, Betsey Johnson, Steve Madden), cho biết mức thuế quan mới sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho công ty của ông: "Sau 80 năm và 5 thế hệ, Trump vừa đặt dấu chấm hết cho công ty chúng tôi".
Theo CNBC
Nhiều quốc gia phản ứng dữ dội trước đòn thuế đối ứng từ ông Trump
Mỹ áp thuế đối ứng với cả thế giới nhưng thép, nhôm sẽ được miễn trừ