Chuyên gia cảnh báo thuế quan mới của ông Trump nguy hiểm hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu
Cuộc chiến thương mại mới của cựu Tổng thống Donald Trump có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp, người dân và tăng trưởng kinh tế Mỹ hơn so với nhiệm kỳ đầu, theo các chuyên gia nhận định.
Khi ông Trump áp đặt thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên, đó là cuộc chiến thương mại lớn nhất kể từ những năm 1930. Các chính sách thuế và đe dọa áp thuế nhắm vào đối tác thương mại của Mỹ đã tạo ra nhiều tranh cãi, vấp phải sự chỉ trích từ các nhà kinh tế theo trường phái toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, tác động thực tế đến nền kinh tế Mỹ không quá lớn. Lạm phát vẫn được kiểm soát, GDP tiếp tục tăng trưởng, và thâm hụt thương mại lại càng nới rộng.

Nhưng theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại lần hai sẽ hoàn toàn khác, với tham vọng lớn hơn và diễn ra trong bối cảnh kinh tế nhiều rủi ro hơn.
Làn sóng thuế quan mới
Ngày 2/4 (theo giờ địa phương), ông Trump khiến thế giới chấn động khi tuyên bố áp thuế nhập khẩu 10% lên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 60 nước thậm chí bị áp mức cao hơn lên tới gần 50%.
"Liệu có tổn thương không? Có thể có và có thể không, nhưng chúng ta sẽ đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại và mọi thứ sẽ xứng đáng với cái giá phải trả", ông Trump viết trên Truth Social ngày 2/2.
Năm 2018, chính quyền Trump đã áp thuế lên hầu hết hàng hóa Trung Quốc cùng các mặt hàng như pin mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Dù lạm phát không bị ảnh hưởng nhiều, thuế quan cũng không giúp phục hồi ngành sản xuất như kỳ vọng.
Nhưng lần này, theo chuyên gia thương mại William Reinsch từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cuộc chiến thuế quan sẽ tốn kém hơn nhiều: "Chuyện đó là quá khứ. Còn đây là hiện tại".
Tác động lên doanh nghiệp và người tiêu dùng
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng ngay lập tức khi tin tức về thuế quan được công bố. Dow Jones tương lai giảm tới 1.000 điểm, cổ phiếu của các công ty đa quốc gia là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Trump đã tính toán kỹ danh sách áp thuế để tránh ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, chủ yếu nhắm vào hàng công nghiệp. Nhưng lần này, thuế quan được áp dụng rộng rãi hơn.
Theo ước tính của Fitch Ratings, các chính sách thuế mới có thể bổ sung thêm 350 tỷ USD thuế nhập khẩu, cao hơn nhiều so với mức 72 tỷ USD năm 2023. Con số này chiếm 1,7% tổng tiêu dùng Mỹ, đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp lên cao.
Nếu doanh nghiệp chấp nhận mức chi phí cao hơn, lợi nhuận của họ sẽ bị thu hẹp. Nếu họ chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng, giá cả sẽ tăng, kéo theo suy giảm doanh số, theo phân tích của Goldman Sachs.
Ví dụ, công ty đồ chơi Basic Fun tại Boca Raton, Florida, dự kiến tăng giá và giảm lợi nhuận khi thuế quan có hiệu lực. CEO Jay Foreman cho biết giá xe tải đồ chơi Tonka Classic Steel Mighty Dump Truck có thể tăng từ 29,99 USD lên khoảng 39,99 USD vào cuối năm nay. Nếu năm 2018, chính quyền Trump từng miễn thuế cho đồ chơi Trung Quốc, thì lần này công ty không có cơ hội tránh thuế.
Không chỉ nhắm vào Trung Quốc như trong nhiệm kỳ đầu, lần này ông Trump áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ toàn thế giới. Điều này khiến các công ty khó né tránh tác động tiêu cực. "Thông điệp rất rõ ràng: không nơi nào là an toàn", chuyên gia Mary Lovely từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.
Nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang
Nếu các nước khác đáp trả bằng thuế quan, Mỹ sẽ tiếp tục phản công mạnh hơn. Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell, cảnh báo điều này có thể dẫn đến vòng xoáy thuế trả đũa leo thang. Khác với năm 2018, lần này kinh tế Mỹ không ở trạng thái vững vàng.
6 năm trước, lạm phát thấp đến mức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lo ngại. Nhưng hiện tại, lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed và chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.
Nếu chính quyền Trump áp thuế mới, giá cả tăng có thể khiến Fed phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài, ảnh hưởng đến thị trường vay mua nhà và tiêu dùng, làm chậm tốc độ tăng trưởng, theo nhà kinh tế Brian Bethune của Đại học Boston College.
Matt Rowe, Giám đốc đầu tư tại Nomura Capital Management, nhận định: "Rất khó để dự đoán thuế quan sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn điều này không tốt cho tăng trưởng, chi tiêu tiêu dùng và thu nhập doanh nghiệp".
Mô hình Kinh tế Toàn cầu (GEM) của Oxford Economics dự báo chính sách thuế mới có thể làm giảm 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng GDP Mỹ đến năm 2026 – gấp đôi mức ước tính cuối năm ngoái.
Theo Fitch Ratings, thuế quan có thể dẫn đến các phản ứng chính sách như kích thích tài khóa từ Trung Quốc, đồng thời tác động đến tỷ giá hối đoái, giá cả, chính sách tiền tệ và điều kiện tài chính của nhiều nền kinh tế khác.
>> Nga bất ngờ vắng mặt trong danh sách áp thuế đối ứng của ông Trump, chuyện gì xảy ra?
Ông Trump áp thuế lên cả thế giới, khẳng định Mỹ sẽ độc lập kinh tế
Chính thức từ 5/4: Mỹ áp thuế đối ứng 10% lên toàn thế giới, nhiều nước phải chịu mức cao hơn