Nhà khoa học từng làm việc tại Bộ Năng lượng bất ngờ rời Mỹ, chọn Trung Quốc: Sở hữu 12 bằng sáng chế công nghệ, công bố hơn 100 bài báo
Quyết định rời Mỹ của Yi Shouliang cũng khiến ông từ bỏ vị trí giảng dạy tại Đại học Pittsburgh chỉ sau chưa đầy một năm. Ông cũng đã giải thể các hoạt động kinh doanh cá nhân tại Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, một nhà khoa học cấp cao từng làm việc tại Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã bất ngờ rời Mỹ để nhận nhiệm vụ mới tại Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc . Đó là Yi Shouliang, người từng giữ vai trò lãnh đạo nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ Năng lượng Quốc gia (NETL), trực thuộc DOE.
Theo xác nhận từ website của Đại học Tứ Xuyên, Yi hiện giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giáo sư danh dự thuộc chương trình Hai Na của Đại học Tứ Xuyên, người hướng dẫn nghiên cứu sinh và Trưởng nhóm Đổi mới công nghệ tách carbon và năng lượng thấp xanh (CCUS).
Từ chuyên gia năng lượng tại Mỹ đến “nhân tài triệu hồi” tại Trung Quốc
Trước khi rời Mỹ, Yi từng là nhà khoa học chính và Trưởng dự án tại NETL, nơi ông phụ trách các chương trình về quản lý nước và công nghệ thu giữ - sử dụng - lưu trữ carbon (CCUS). Ông từ chức vào tháng 6 năm 2023 sau 5 năm làm việc tại đây và sau đó sáng lập một công ty công nghệ riêng tại Mỹ có tên American Sustainable Membrane Technology LLC.
Quyết định rời Mỹ của Yi cũng khiến ông từ bỏ vị trí giảng dạy tại Đại học Pittsburgh chỉ sau chưa đầy một năm. Ông cũng đã giải thể các hoạt động kinh doanh cá nhân tại Mỹ .

Mặc dù từng có vai trò quan trọng tại DOE, trang web chính thức của Bộ Năng lượng và NETL hiện không còn hiển thị thông tin liên quan đến ông Yi, ngoài tên ông trong các hồ sơ sáng chế và đề xuất dự án. Khi được South China Morning Post liên hệ qua email về lý do từ chức, ông không phản hồi.
Điều đáng chú ý là Đại học Tứ Xuyên – nơi Yi vừa gia nhập – nằm trong danh sách hạn chế (Entity List) của Bộ Thương mại Mỹ, do lo ngại liên quan đến công nghệ nhạy cảm.
Trở thành "nhân tài ngàn người" với lý lịch học thuật đồ sộ
Yi hiện là một trong những người nhận hỗ trợ từ Chương trình thu hút nhân tài cấp cao từ nước ngoài – tên gọi mới của chương trình "Ngàn nhân tài" (Thousand Talents Plan).
Theo hồ sơ học thuật công khai, Yi bắt đầu con đường nghiên cứu từ Đại học Khoa học Trung Quốc (UCAS), tuy nhiên điều tra của SCMP cho thấy ông đã tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ tại Đại học Giang Nam (trước đây là Viện Công nghiệp nhẹ Vô Tích) – một trường nổi tiếng về khoa học thực phẩm, phù hợp với các nghiên cứu lên men rượu vang của ông giai đoạn đầu.
Sau khi hoàn thành Tiến sĩ năm 2009 với luận án về màng thẩm thấu hữu cơ chọn lọc, Yi trở thành giảng viên tại UCAS và dẫn dắt nhóm nghiên cứu năng lượng tái tạo, tập trung vào sản xuất nhiên liệu sinh học kết hợp lên men và công nghệ màng.
Năm 2010, ông trở thành Nghiên cứu viên tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) và đến năm 2012, chuyển đến Mỹ để làm việc tại phòng thí nghiệm của GS William J. Koros tại Georgia Tech – một thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoa Kỳ.
Tại đây, Yi vừa làm Trưởng nhóm dự án, quản lý phòng thí nghiệm, vừa nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ màng lọc trong lọc khí tự nhiên, nổi bật với công trình đăng trên Science Advances. Ông cũng sáng lập một tạp chí chuyên ngành, làm Chủ biên và điều phối hợp tác quốc tế.
Trước khi gia nhập NETL vào năm 2018, Yi từng đảm nhận vai trò biên tập cho nhiều tạp chí học thuật như Separation and Purification Technology, Industrial Chemistry & Materials và Carbon Capture Science & Technology.
Ông đã công bố hơn 100 bài báo Khoa học được bình duyệt, sở hữu 12 bằng sáng chế về công nghệ màng lọc và tách chiết và từng nhận giải thưởng Elsevier Engineering Frontiers Outstanding Scientist Award vào năm 2022. Ông cũng là Hội viên danh dự của Hiệp Hội Hóa học Hoàng gia Anh (RSC) – tổ chức khoa học lâu đời nhất châu Âu.
Hiện Yi đang làm việc tại College of Carbon Neutral Future Technologies của Đại học Tứ Xuyên. Trường đang đăng tuyển rầm rộ từ giảng viên đến nghiên cứu sinh, với khẩu hiệu thu hút nhân tài: “Chúng tôi mang đến cho bạn một môi trường học thuật tự do, điều kiện làm việc tốt và đãi ngộ hào phóng – giúp bạn tỏa sáng và chạm đến giấc mơ học thuật của mình”.
Tham khảo SCMP