54 tỷ USD bốc hơi, dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi châu Á: Chuyện gì đang xảy ra?
Đồng bạc xanh tiếp tục là mối lo ngại đối với thị trường chứng khoán châu Á trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang. Một số NHTW trong khu vực buộc phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài.
Đòn áp thuế  của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây áp lực nặng nề lên thị trường tài chính châu Á, khi đồng USD tăng giá đe dọa làm suy yếu triển vọng cắt giảm lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực đang chậm lại.
Làn sóng leo thang căng thẳng thương mại mới nhất không chỉ gây tổn hại trực tiếp đến các nhà xuất khẩu châu Á, vốn đang phải vật lộn với sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn đẩy mạnh lạm phát và duy trì mặt bằng lãi suất cao tại Mỹ. Hệ quả là các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong khu vực sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ .
Ngay trong phiên giao dịch thứ Hai (3/2), hàng loạt đồng tiền từ đô la Úc đến rupee Ấn Độ đã chứng kiến đà giảm mạnh sau tuyên bố áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc, Mexico và Canada.
Thị trường chứng khoán khu vực cũng không thoát khỏi đà lao dốc, với mối tương quan 90 ngày giữa Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương và Chỉ số Dollar Spot đang ở mức âm sâu nhất kể từ tháng 3/2023.
Một số quốc gia châu Á sẽ rơi vào thế khó nếu cuộc chiến thương mại kéo dài", ông Kok Hoong Wong, giám đốc giao dịch cổ phiếu tại Maybank Securities, nhấn mạnh. "Chẳng hạn như Indonesia vừa cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế, nhưng có thể sẽ không còn dư địa điều chỉnh khi đồng tiền suy yếu".
Các quỹ toàn cầu đã bán ròng khoảng 12,3 tỷ USD cổ phiếu tại thị trường mới nổi châu Á (trừ Trung Quốc ) trong tháng 1 - mức bán liên tục dài nhất kể từ năm 2009. Tổng giá trị bán ròng trong bảy tháng qua đã lên tới 54 tỷ USD.
Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã giảm 4,4% kể từ chiến thắng bầu cử của ông Trump vào tháng 11, trong khi chỉ số USD Bloomberg đạt đỉnh cao kể từ tháng 11/2022. Trong cùng thời gian, MSCI Châu Âu tăng 4,4% và S&P 500 tăng 4,5%.
"Về mặt tâm lý, đồng USD mạnh thường khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu châu Á, chuyển sang các kênh an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ ", bà Kimmy Tong, chiến lược gia thị trường toàn cầu và ngoại hối tại Everbright Securities International, phân tích. Bà cảnh báo thêm, lượng nợ USD lớn khiến Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương.
Theo ông Wong, một số quốc gia như Singapore, Malaysia và Việt Nam có thể chịu ít tác động hơn, bởi họ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng các công ty toàn cầu điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo BNN
>> Nhân dân tệ lao dốc xuống đáy 2 năm, USD mạnh lên gây sức ép lên tiền tệ châu Á 
Chiến tranh thương mại leo thang, giá vàng hụt hơi trước đà tăng của USD 
Ngành ô tô toàn cầu chao đảo trước thuế quan của ông Trump: Ai chịu ảnh hưởng nặng nhất?