5G – Một mũi tên trúng nhiều đích
5G với tốc độ cao, độ trễ thấp và những ưu điểm vượt trội sẽ là chìa khóa vàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ  số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào cốt lõi, môi trường số là không gian hoạt động chính, công nghệ thông tin – viễn thông là giải pháp để tăng năng suất lao động, thay đổi diện mạo mới cho mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Mới đây, chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, bà Rita Mokbel, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam cho biết một trong những động lực chính trong quá trình chuyển đổi số chính là kết nối. Theo kết quả nghiên cứu của Ericsson, cứ tăng trưởng 10% về băng thông di động sẽ góp phần giúp GDP tăng 0,08%.
Bà cho biết, để phát triển kinh tế, nhiều Chính phủ lựa chọn đầu tư vào hạ tầng vật lý như đường cao tốc, cảng biển,... nhưng cũng có những Chính phủ lựa chọn đầu tư phát triển một hạ tầng kết nối quan trọng đó là 5G để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế số.
Bà chia sẻ thêm về tiềm năng phát triển của 5G tại Việt Nam. Theo bà, Việt Nam đang đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là thông qua việc đấu giá tần số 5G. Với Việt Nam, 5G chính là động lực then chốt thúc đẩy công nghiệp 4.0, không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Hạ tầng 5G dùng riêng cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này cũng sẽ mang lại những cơ hội doanh thu đầy hứa hẹn đối với các nhà mạng viễn thông.
Bà Rita Mokbel khẳng định: “Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025”.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, Ericsson dự báo đến năm 2029, tại Việt Nam 5G sẽ chiếm hơn 50% thuê bao di động. Khi được triển khai thương mại hóa, 5G sẽ mang lại trải nghiệm tối ưu hơn; giáo dục từ xa, chơi game, trải nghiệm video tốt hơn và tương tác nhanh hơn,...
Còn đối với khách hàng doanh nghiệp, mạng 5G sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển vượt bậc. Công nghệ này không chỉ giúp các doanh nghiệp hoạt động nhanh chóng và linh hoạt hơn mà còn giảm thiểu chi phí. Hơn nữa, 5G nâng cao độ tin cậy trong mọi hoạt động, mang lại cho doanh nghiệp hiệu quả hoạt động tối ưu.
Ngoài ra, theo báo cáo Chiến lược của Viện Thông tin và Truyền thông quốc gia, dự báo vào năm 2025, 5G sẽ đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Mới đây, vào sáng 15/10, Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương mạng 5G sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 mHz. Thời điểm khai trương, mạng 5G Viettel có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63 tỉnh/thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện và trường đại học.
Theo quy hoạch viễn thông của Việt Nam, đến năm 2025, tốc độ tải xuống trung bình của mạng 5G  sẽ đạt ít nhất 100 Mbps, đưa trải nghiệm người dùng lên một tầm cao mới. Hơn nữa, vào năm 2030, mạng 5G dự kiến sẽ phủ sóng 99% dân số cả nước, mở ra một kỷ nguyên kết nối toàn diện và mạnh mẽ.
Chính vì vậy, năm 2024 chính là thời điểm then chốt để cấp phép băng tần và đưa mạng 5G vào giai đoạn thương mại hóa, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu này.
Tại sao 500.000 đến 600.000 điện thoại xịn không sử dụng được 5G? 
Mẫu iPhone đầu tiên hỗ trợ 5G đang được bán ở Việt Nam với giá cực hời