Trong năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng  (10,3 triệu tấn CO2) thông qua ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Bộ NN & PTNT cũng cho hay, sau khi nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB, cơ quan này đã giải ngân toàn bộ. Trong đó, kinh phí tại trung ương là hơn 34 tỷ đồng, còn lại kinh phí đưa về các địa phương là hơn 962 tỷ đồng.
>> Sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức có mặt tại Việt Nam 
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã thực hiện điều phối toàn bộ số tiền hơn 962 tỷ đồng này cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng.
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN & PTNT), tỉnh Thanh Hoá nhận được hơn 162 tỷ đồng, tỉnh Nghệ An hơn 282 tỷ đồng, Hà Tĩnh nhận gần 123 tỷ đồng, Quảng Bình nhận hơn 235 tỷ đồng, Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế nhận hơn 107 tỷ đồng.
Được biết, thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm WB với tư cách là bên được uỷ thác của Quỹ đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF).
ERPA nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF thông qua WB với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD. Trong đó, khoảng 95% kết quả giảm phát thải sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC (cam kết của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thoả thuận Paris).
Ngoài ra, WB có quyền mua bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 từ Báo cáo kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 với đơn giá 5 USD/tấn CO2 theo cơ chế ERPA đã ký.
>> Bất ngờ một địa phương lần đầu tiên nhận 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon