Thế giới

60 ngày trước bầu cử: Sự phân cực trong giới truyền thông Mỹ

Phạm Vũ Thiều Quang 15/09/2024 - 16:33

Vừa là nguyên nhân và kết quả của sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội Mỹ hiện nay, xu hướng phân cực trong giới truyền thông Mỹ đã dẫn đến nhiều cơ quan báo chí, kênh truyền hình đưa ra những bản tin sai sự thật hay thiên vị trên quan điểm chính trị.

Lời toà soạn: Chưa đầy 2 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ quyết định bầu ai trở thành Tổng thống tiếp theo. Mọi con mắt đang hướng về Mỹ trong thời điểm đầy căng thẳng trước bầu cử. Với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, VietNamNet xin giới thiệu “cẩm nang” 5 bài viết để hiểu về những diễn biến chính trị tại Mỹ hướng tới cuộc bầu cử này.
Social media culture of instant judging.jpg
Hình minh hoạ: City Journal

Sự phân cực chính trị ở Mỹ đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội, bao gồm cả truyền thông. Ngày nay, giới truyền thông Mỹ không còn là một nguồn cung cấp thông tin khách quan mà đã trở thành một chiến trường ý thức hệ, nơi nhiều cơ quan báo chí Mỹ rõ ràng bày tỏ lập trường ủng hộ một đảng phái hay ứng cử viên, từ đó có quyền định hình tâm lý dư luận theo những cách họ muốn.

Việc truyền thông nghiêng về một phía đã tạo ra những "buồng vang thông tin". Người tiêu thụ tin tức từ các nguồn này thường chỉ tiếp xúc với những thông tin củng cố quan điểm sẵn có của họ, trong khi các thông tin trái chiều bị bỏ qua hoặc bị bóp méo. Điều này dẫn đến sự phân hóa sâu sắc trong dư luận, khiến người dân ngày càng khó tìm được tiếng nói chung và làm gia tăng nguy cơ đối đầu tư tưởng.

Một yếu tố chủ chốt trong sự phân cực truyền thông này chính là việc nhiều tờ báo và kênh truyền hình lớn – hay còn được gọi là truyền thông dòng chính (mainstream media) – nghiêng hẳn sang một phe. Các đơn vị truyền thông như The New York Times, CNN,MSNBC từ lâu nay đã bị cáo buộc là có xu hướng thiên vị Đảng Dân chủ. Tháng 7/2024, Ban biên tập tờ New York Times xuất bản một bài viết rất dài thể hiện rõ điều này, mang tên “Donald Trump không đủ năng lực để lãnh đạo”.

Screenshot 2024 09 15 at 11.01.47.png
Theo dữ liệu thăm dò của Gallup, niềm tin của người Mỹ vào truyền thông đại chúng đã giảm dần từ 1998 cho đến 2022. Biểu đồ: Straight Arrow News

Điều này không chỉ cho phép của các tờ báo và kênh truyền hình Mỹ để đưa tin về các chính sách hay sự kiện bầu cử theo cách họ muốn, mà còn cho phép xây dựng hình ảnh của một ứng cử viên tốt hay tồi nhất có thể. Một ví dụ gần đây nằm trong cách truyền thông đưa tin về những lần bà Harris đã xuất hiện trước mặt công chúng kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống. Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump đã thực hiện 34 cuộc phỏng vấn tính đến thời điểm này, thì bà Harris mới chỉ xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn duy nhất với CNN cùng với ứng cử viên Phó Tổng thống Tim Walz vào hôm 30/8. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các kênh tin tức truyền thông gần như không đề cập đến sự chênh lệch này, cũng như là phản ứng tiêu cực từ những người xem và nhà quan sát từ cả hai phe – thay vào đó tập trung vào việc khẳng định rằng bà Harris vẫn là ứng cử viên sáng giá với cơ hội thắng cao.

Một vì dụ khác là cách truyền thông chính thống liên tục nhấn mạnh cơ hội thắng cử của bà Harris là cao, mặc dù các số liệu từ các trang cá cược trực tuyến lại cho thấy rằng Trump có cơ hội thắng lớn hơn. Trong khi những cuộc thăm dò và các phân tích kỹ thuật trên các trang như ABC FiveThirtyEight ủng hộ bà Harris, các trang như PredictIt hay Betfair lại nghiêng về Trump, đem lại hai bức tranh đối lập về cơ hội thắng cử của từng ứng cử viên. Tuy nhiên, những thông tin này hiếm khi được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông chính thống, khiến cho nhiều nhà quan sát đánh giá thấp khả năng của Trump - rất giống như những gì đã xảy ra vào năm 2016.

Những diễn biến tương tự đang tạo nên một bức tranh về cuộc bầu cử mà bóp méo thực tế. Trong khi truyền thống chính thống tập trung vào việc bảo vệ hoặc đề cao ứng cử viên của Đảng Dân chủ, họ thường bỏ qua hay ít nhắc đến những thông tin có nguy cơ gây bất lợi, và thường xuyên đăng những lời lẽ chỉ trích phe Cộng hoà.

Đối với cử tri Đảng Dân chủ, điều này đã khiến cho một phần lớn trong số họ không nhận được cách nhìn toàn diện và khách quan về những điểm yếu của bà Harris và trở nên hoang mang hơn về ông Trump. Đối với cử tri Đảng Cộng hoà, điều này khiến họ từ bỏ mọi hy vọng vào truyền thông chính thống, thay vì đó đi vào chính những buồng vang thông tin của họ trên những trang như Fox News, New York Post, và Breitbart – nơi cách tiếp cận việc đưa tin lại thiên vị ông Trump và phe Cộng hoà.

Screenshot 2024 09 15 at 11.01.28.png
Biểu đồ cho thấy quan điểm chính trị và mức độ chính xác, dựa trên thực tế hay ý kiến, của các hãng truyền thông hàng đầu Mỹ. Biểu đồ: Ad Fontes Media

Các nền tảng như X (từng là Twitter) và Facebook cũng đã trở thành những nguồn cung cấp thông tin quan trọng, nơi mà người dùng có thể tiếp cận với những góc nhìn và thông tin mà truyền thông chính thống có thể bỏ qua. Đây cũng là nơi xuất hiện những cuộc tranh luận trực tiếp giữa các nhóm ủng hộ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà, do những nền tảng này cho phép lan truyền thông tin đa chiều hơn.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất trên những nền tảng này là sự lan truyền nhanh chóng của tin giả. Do thiếu sự kiểm duyệt chặt chẽ, tin giả dễ dàng được tạo ra và lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây nhiễu loạn thông tin và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các nguồn tin đáng tin cậy.

Hơn nữa, các thuật toán của các nền tảng này, được thiết kế để tối đa hóa tương tác của người dùng, thường ưu tiên hiển thị những nội dung phù hợp với sở thích cá nhân, dẫn đến việc tạo ra các "buồng vang thông tin" không khác gì trên truyền thông chính thống. dụ, thuật toán của X thường gợi ý những nội dung tương tự với những gì người dùng đã quan tâm từ trước đó, dẫn đến việc họ ngày càng tiếp xúc với những thông tin khớp với quan điểm của mình.

Sự chọn lọc tin tức và xu hướng thiên vị của truyền thông đã tạo nên một môi trường thông tin đầy phân cực. Trong đó, những người ủng hộ mỗi phe chính trị có xu hướng chỉ đọc những tin tức phù hợp với niềm tin của mình và bác bỏ những gì không phù hợp. Điều này đã góp phần lớn làm cho xã hội Mỹ ngày càng chia rẽ, khi mỗi bên chỉ thấy được một phần của thực tế và không sẵn lòng lắng nghe hoặc hiểu quan điểm của bên kia. Trong bối cảnh này, việc tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sẽ trở nên vô cùng quan trọng, không chỉ đối với cử tri, mà còn cho bất kỳ ai muốn quan sát các diễn biến của bầu cử Mỹ.

>>Cuộc 'so găng' then chốt giữa ông Trump và bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Lộ diện 7 ứng cử viên Đảng Dân chủ có thể thay thế ông Biden

Kết quả thăm dò bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump thắng thế, ngày càng nới rộng khoảng cách với ông Biden

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/60-ngay-truoc-bau-cu-su-phan-cuc-trong-gioi-truyen-thong-my-2322338.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    60 ngày trước bầu cử: Sự phân cực trong giới truyền thông Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH