7-Eleven từ chối đề nghị mua lại của Circle K, cho rằng mức giá 39 tỷ USD là quá thấp
Seven & i đã từ chối đề xuất mua lại trị giá 39 tỷ USD từ Couche-Tard vì mức giá quá thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, đồng thời cho biết sẵn sàng xem xét một lời đề nghị hấp dẫn hơn.
Mới đây, công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đã công bố một lá thư nêu rõ phản hồi của họ sau khi một ủy ban gồm các giám đốc độc lập xem xét đề xuất từ Circle K. Sau tin này, cổ phiếu của Seven & i Holdings đã biến động do trước đó các nhà đầu tư lạc quan về khả năng xảy ra thỏa thuận. Chốt phiên sáng 6/9, cổ phiếu giảm 1,9%.
“Chúng tôi sẵn sàng cân nhắc nghiêm túc bất kỳ đề xuất nào mang lại lợi ích cho cổ đông và các bên liên quan của Seven & i,” Stephen Dacus, Chủ tịch ủy ban, viết trong lá thư. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ từ chối bất kỳ đề xuất nào làm mất đi giá trị thực của công ty hoặc không giải quyết được những lo ngại pháp lý quan trọng".
Couche-Tard  (chủ sở hữu Circle K) và Seven & i đã công bố thông tin về việc tiếp cận của công ty Canada vào ngày 19/8. Tuy nhiên họ chưa đưa ra chi tiết về đề xuất, dù định giá Seven & i khoảng 14,86 USD/cổ phiếu, tương đương giá trị thị trường là 5,55 nghìn tỷ yên (khoảng 38,7 tỷ USD). Mặc dù mức giá này cao hơn 21% so với giá trị thị trường của Seven & i khi đề xuất được công bố, nhưng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh của một năm trước đó.
“Dù điều này không hoàn toàn tích cực, nhưng ít nhất Seven & i đang mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán tiếp theo, điều này ít nhất đòi hỏi một giá thầu cao hơn,” Andrew Jackson, chiến lược gia tại Ortus Advisors Pte, nhận xét về thông báo mới của Seven & i.
Alex Miller, Giám đốc điều hành sắp tới của Couche-Tard, đã nói với các nhà phân tích trong buổi họp về kết quả kinh doanh của công ty vào thứ Năm rằng họ muốn hợp tác tích cực với Seven & i và tin tưởng có thể huy động đủ tài chính cho thỏa thuận này.
Quá trình đàm phán này đang được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo dõi chặt chẽ như một phép thử cho các hướng dẫn mới của Chính phủ Nhật Bản về hoạt động sáp nhập và mua lại.
Thỏa thuận giữa hai công ty có thể tạo ra một đế chế cửa hàng tiện lợi toàn cầu với hơn 100.000 cửa hàng, điều này có thể thu hút sự giám sát từ các cơ quan cạnh tranh của Mỹ. Một trở ngại tiềm năng khác là chính phủ Nhật Bản có thể chặn thỏa thuận hoặc yêu cầu thay đổi điều khoản.
Trước đây, việc mua lại một doanh nghiệp lớn và nổi tiếng như vậy của Nhật Bản bị coi là khó xảy ra, do xu hướng bảo hộ của Chính phủ và hội đồng quản trị các công ty Nhật thường ưu tiên sự ổn định hơn là giá trị cổ đông. Tuy nhiên, các hướng dẫn mới đã được ban hành nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản cải thiện quản trị và bảo vệ nhà đầu tư.
Đề xuất mua lại của Couche-Tard được đưa ra khi Seven & i đang chịu áp lực từ cổ đông ValueAct Capital Management LP, yêu cầu công ty Nhật Bản tập trung vào hoạt động của chuỗi 7-Eleven và thoái lui khỏi mảng kinh doanh siêu thị và cửa hàng bách hóa. Nhóm này cũng đã thất bại trong nỗ lực lật đổ Giám đốc điều hành Ryuichi Isaka.
Đáp lại, Seven & i đã thực hiện các biện pháp tái cơ cấu và triển khai việc mua lại cổ phiếu.
Theo BNN