8 lối sống lành mạnh giúp cơ thể "lão hóa ngược" trẻ hơn 6 tuổi
Các nhà khoa học đưa ra 8 lối sống lành mạnh có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Tuổi sinh học là một khái niệm dùng để đánh giá các yếu tố bao gồm trao đổi chất, tình trạng viêm, và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Một nghiên cứu được trình bày tại Phiên họp Khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2023 đã chỉ ra rằng sức khỏe tim mạch  tốt có thể làm giảm tốc độ lão hóa sinh học, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác và khiến cơ thể trở nên trẻ hơn 6 tuổi.
Các nhà khoa học đã đề xuất 8 lối sống lành mạnh có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch:
1. Ngủ đủ giấc: Để duy trì sức khỏe tim mạch, người lớn cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Ngủ đủ giấc giúp tăng quá trình tự lành của cơ thể, cải thiện chức năng não và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
2. Không hút thuốc: Sử dụng sản phẩm chứa nicotine, bao gồm thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử và vape, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong  có thể được ngăn ngừa tại Mỹ.
3. Tập thể dục  đều đặn: Người trưởng thành nên thực hiện ít nhất 2 tiếng và 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần hoặc ít nhất 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao mỗi tuần.
4. Chế độ ăn uống lành mạnh: Bao gồm việc ăn thực phẩm nguyên chất, cung cấp nhiều trái cây và rau, protein từ nguồn nạc, các loại hạt, sử dụng dầu ô liu và dầu cải dầu để nấu ăn.
5. Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim mạch và tiểu đường.
6. Kiểm soát đường huyết: Theo thời gian, đường huyết cao có thể gây hại cho tim, thận, mắt, và dây thần kinh.
7. Giữ nồng độ cholesterol ở mức hợp lý: Đảm bảo rằng nồng độ cholesterol "xấu" (non-HDL) thấp có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
8. Kiểm soát huyết áp: Giữ huyết áp ở mức lành mạnh giúp ngăn ngừng nguy cơ đột quỵ và giảm tỷ lệ tử vong.
Để thực hiện nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã tính toán độ tuổi sinh học của hơn 6.500 người trưởng thành tham gia Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia (NHANES) từ năm 2015 đến năm 2018 tại Mỹ. Họ đã đánh giá tình trạng sức khỏe tim mạch của các tình nguyện viên và so sánh nó với độ tuổi sinh học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng người có sức khỏe tim mạch tốt thường "lão hóa ngược", có nghĩa là cơ thể của họ trở nên trẻ hơn so với tuổi thực của họ. Ngược lại, những người có sức khỏe tim mạch kém thường già đi nhanh hơn so với tuổi thật của họ.
Ví dụ, trong nhóm người có sức khỏe tim mạch tốt, độ tuổi sinh học trung bình là 36 trong khi độ tuổi thực tế là 41. Trong nhóm người có sức khỏe tim mạch kém, độ tuổi sinh học trung bình là 57 trong khi độ tuổi thực tế là 53, tức là lão hóa nhanh hơn.
Theo Nour Makarem, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Mailman, người là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, khi sức khỏe tim mạch được cải thiện, quá trình lão hóa sinh học cũng chậm lại. Ông cho rằng độ tuổi sinh học của cơ thể có thể dự báo chính xác nguy cơ tử vong trong tương lai.