97% ô tô truyền thống có nguy cơ bị 'xóa sổ' khỏi Việt Nam từ 2030 vì nguyên nhân này
Từ năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam có thể chứng kiến một cuộc “đại phẫu” chưa từng có khi hàng loạt mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) đối mặt nguy cơ dừng bán.
Theo Quyết định 1191/QĐ-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ban hành ngày 30/9/2024, Việt Nam sẽ áp dụng “Biện pháp E17” – một bộ tiêu chuẩn bắt buộc đối với mức tiêu thụ nhiên liệu (TTNL) của tất cả các xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới từ nay đến năm 2030.
Mức TTNL tối đa được quy định như sau:
Xe máy: không vượt quá 2,3 lít/100 km
Ô tô dung tích dưới 1.400cc: không vượt quá 4,7 lít/100 km
Ô tô 1.400–2.000cc: không vượt quá 5,3 lít/100 km
Ô tô trên 2.000cc: không vượt quá 6,4 lít/100 km
Đáng chú ý, đây là những ngưỡng tiêu thụ thấp hơn đáng kể so với phần lớn mẫu xe đang lưu hành, kể cả những dòng được coi là tiết kiệm nhiên liệu hiện nay. Một số mẫu xe có mức tiêu thụ dưới 6 lít/100km vẫn có thể bị loại nếu không đáp ứng đúng chuẩn theo phân khối động cơ.
![]() |
Toyota Land Cruiser có mức tiêu thụ tối thiểu theo công bố là 9,56 lít/100 km. Ảnh minh họa |
Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ GTVT (ITST) thực hiện cho thấy: nếu áp dụng phương pháp MEPS (Minimum Energy Performance Standards – áp chuẩn tiêu thụ tối đa cho từng mẫu xe), có đến 97% các dòng xe ICE sẽ không đạt chuẩn, buộc phải dừng bán.
Điều này không chỉ đe dọa đến hoạt động của các hãng xe mà còn có thể khiến sản lượng thị trường giảm tới 77% mỗi năm, kéo theo thiệt hại khoảng 574 nghìn tỷ đồng GDP và 377 nghìn tỷ đồng nguồn thu ngân sách. Trong khi đó, phương án thay thế linh hoạt hơn – CAFC (Corporate Average Fuel Consumption), cho phép tính trung bình TTNL theo toàn bộ danh mục xe của từng hãng – được đánh giá là ít tác động hơn, với mức giảm GDP ước khoảng 73 nghìn tỷ đồng.
Đối chiếu với thông số do các hãng xe công bố, có thể thấy nhiều cái tên quen thuộc tại Việt Nam khó lòng vượt qua “ải” MEPS. Đơn cử, Toyota Land Cruiser – mẫu SUV cỡ lớn với động cơ 3.445cc – có mức tiêu thụ tối thiểu theo công bố là 9,56 lít/100 km, vượt xa chuẩn 6,4 lít/100 km dành cho xe trên 2.000cc.
![]() |
Ford Everest có dung tích 1.996cc, tiêu thụ từ 6,8 lít/100 km. Ảnh minh họa |
>> 'Vua tay ga' Honda SH 350i có thoát khỏi chuẩn xăng mới?
Tương tự, Ford Everest – mẫu SUV máy dầu bán chạy với dung tích 1.996cc – tiêu thụ từ 6,8 lít/100 km, trong khi ngưỡng cho phép chỉ là 5,3 lít. Ngay cả mẫu xe phổ thông như Mitsubishi Xpander, động cơ 1.499cc, với mức tiêu thụ 6 lít/100 km cũng khó đáp ứng chuẩn mới. Trong trường hợp này, phiên bản hybrid (như ở Thái Lan) có thể là giải pháp khả thi.
Trong bối cảnh này, các dòng xe điện (BEV), hybrid tự sạc (HEV) và hybrid sạc ngoài (PHEV) trở thành những ứng viên tiềm năng để thay thế. Theo ông Đào Công Quyết – đại diện Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ các mẫu xe áp dụng công nghệ điện hóa mới có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn MEPS, trong khi động cơ thuần xăng hoặc diesel truyền thống gần như không còn cơ hội.
Bộ Xây dựng hiện đã giao Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật cụ thể để các doanh nghiệp “soi chiếu” và chuẩn bị. Trong lúc đó, nhiều chuyên gia khuyến nghị nên ưu tiên phương án CAFC để giữ được sự linh hoạt cho thị trường và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc dân.
>> ‘Vượt mặt’ Toyota Innova Cross, mẫu xe của Suzuki dẫn đầu phân khúc xe hybrid tại Việt Nam
Điểm lại các lỗi vi phạm tài xế ô tô hay bị phạt nguội trên cao tốc
Ô tô 5 chỗ chở 6 người: Cẩn thận bị phạt tới 600.000 đồng/người từ 2025