Aeon Mall lớn nhất miền Trung đi vào hoạt động, loạt vốn FDI từ Nhật Bản lại sắp 'đổ bộ' Thừa Thiên Huế
Tính đến nay, các doanh nghiệp FDI từ Nhật Bản đã đầu tư vào 19 dự án tại Thừa Thiên Huế.
Sau hơn 10 năm thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA) đã tạo ra nhiều cơ hội kết nối doanh nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời phát huy vai trò trong việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục đầu tư kinh doanh, cũng như tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy thương mại và xuất khẩu.
Tại Thừa Thiên Huế, VJBA đã được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và các định hướng thu hút đầu tư của địa phương, với trọng tâm là khu đô thị mới An Vân Dương, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các vùng ven biển, đầm phá và các khu công nghiệp. Địa phương ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp sinh học, vật liệu mới và công nghiệp phụ trợ.
Các doanh nghiệp thành viên VJBA cam kết sẽ cùng nhau chia sẻ định hướng đầu tư trong tương lai, đồng thời bày tỏ mong muốn lãnh đạo sở và các đơn vị liên quan đồng hành kết nối, nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Huế đầu tư.
Mới đây, Tập đoàn Minoru - doanh nghiệp có bề dày gần 400 năm của Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với TP. Huế. Hai bên thống nhất sẽ thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghiệp tại Huế và xúc tiến tạo việc làm.
Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế |
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, sau khi ký biên bản ghi nhớ giữa địa phương và doanh nghiệp sẽ tiến hành nghiên cứu cụ thể các loại hình đầu tư. Ông kỳ vọng sự hợp tác giữa UBND TP. Huế và Tập đoàn Minuro sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới ở cả cấp độ địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, giao lưu hợp tác hữu nghị.
TP. Shizuoka là thành phố đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác, hữu nghị với Huế vào tháng 5/2005. Thông qua Câu lạc bộ Doanh nghiệp Lions Club Shizuoka, địa phương này đã giới thiệu nhiều đoàn doanh nghiệp đến Huế tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Shizuoka mới đây, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP. Huế cho biết, Huế sẵn sàng đón tiếp các doanh nghiệp từ Shizuoka và Nhật Bản đến đầu tư, cung cấp lực lượng lao động trẻ có tay nghề cho Shizuoka và các địa phương lân cận. Đồng thời, Huế sẽ phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội gặp gỡ giữa các doanh nghiệp hai địa phương, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch dựa trên cơ sở hạ tầng du lịch và vận tải hàng không hiện đại mà Huế đã đầu tư mở rộng.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Trung tâm thương mại Aeon Mall do Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đầu tư với tổng vốn 169,67 triệu USD đã chính thức đi vào hoạt động. Với trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung này, đây không chỉ là dự án kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), mà còn là dấu ấn quan trọng trong việc thu hút các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đến Thừa Thiên Huế đầu tư.
Aeon Mall Huế đi vào hoạt động đã kéo theo sự xuất hiện của nhiều thương hiệu lớn từ Nhật Bản như Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon Huế, Siêu thị Muji, và dự kiến có cả Uniqlo.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện Huế đã thu hút FDI từ nhiều thương hiệu lớn của Nhật Bản như Aeon Mall, cũng như các dự án khác như Malpensa Plant Việt Nam và nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và các sản phẩm từ nhựa của Okura Industrial Co., Ltd.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 233,5 triệu USD. Trong năm 2023, các doanh nghiệp này đã đạt doanh thu hơn 14 triệu USD, đóng góp gần 6 triệu USD vào ngân sách tỉnh, và giải quyết việc làm cho 2.000 lao động.
Không trông chờ vào 'lợi hế cứng', Hải Phòng tạo dựng 'lợi thế mềm' để thu hút FDI 
Tỷ phú Trần Bá Dương: Việt Nam có thể sản xuất đến 40% linh kiện phụ tùng cho khối FDI