Ấn Độ tham vọng nền kinh tế 25 nghìn tỷ USD nhờ năng lượng tái tạo
Ấn Độ đang xem phát triển năng lượng tái tạo là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, hướng đến mục tiêu vươn lên trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2030.
Phát biểu tại chương trình Let's Talk Bharat (Hãy trò chuyện về Ấn Độ) của RT gần đây, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ , Hardeep Singh Puri, nhấn mạnh năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Thủ tướng Narendra Modi là biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế trị giá 25 nghìn tỷ USD vào năm 2047, từ mức 4 nghìn tỷ USD hiện tại.
Ấn Độ đã tăng cường khai thác và sử dụng năng lượng, chủ yếu là dầu mỏ. Tuy nhiên, ông Puri cho biết quốc gia này đang tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và gió, nhiên liệu sinh học, hydro xanh và năng lượng hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Modi, Ấn Độ đang thúc đẩy quá trình chuyển đối năng lượng tái tạo.
New Delhi đặt mục tiêu đạt công suất năng lượng tái tạo lên đến 500GW vào năm 2030, từ mức 140GW hiện tại.
Ấn Độ đang đa dạng hóa việc sản xuất và phát triển năng lượng tái tạo, chẳng hạn như: điện gió với tổng công suất 46,42GW, điện mặt trời (84,27GW), năng lượng sinh khối (10,35GW), năng lượng từ rác thải (0,59GW).
Quốc gia này đặt mục tiêu đạt công suất điện mặt trời 280GW, công suất điện gió 140GW và điện hạt nhân 22GW vào năm 2030. Ấn Độ cũng đang tập trung vào hydro xanh với mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn cũng vào năm 2030.
Vào tháng 5/2024, Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) gửi một báo cáo đến chính phủ, trong đó nhấn mạnh Ấn Độ phải đạt được tốc độ sản xuất năng lượng tái tạo hàng năm khoảng 50GW để hoàn thành mục tiêu đề ra vào năm 2030.
Cơ quan này cho biết trong năm 2023-2024, Ấn Độ chỉ bổ sung thêm hơn 18GW công suất năng lượng tái tạo. Dòng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo giảm nhẹ từ 11,7 tỷ USD trong năm 2022-23 xuống còn 11,4 tỷ USD trong năm 2023-24. IEEFA khuyến nghị quốc gia này phải đẩy nhanh tốc độ sản xuất năng lượng lên gấp 2,5 lần so với năm trước để đạt được mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, New Delhi cũng đang phải đối mặt với một số thách thức, như: thiếu quỹ đất để triển khai các dự án, sở hạ tầng chưa được đáp ứng, sự thiếu ổn định về chính sách, chi phí cao.
Để giải quyết những thách thức trên, chính phủ đã công bố một số dự án thúc đẩy mở rộng năng lượng tái tạo và khả năng phục hồi trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch hành động Surya Ghar Muft Bijli Yojana trị giá 62 tỷ rupee (740 triệu đô la) được ông Modi công bố, chính phủ sẽ lắp đặt các tấm pin mặt trời cho 10 triệu hộ gia đình trên khắp đất nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, chính phủ tiếp tục miễn thuế đối với nhiên liệu được sử dụng trong sản xuất pin và tấm pin mặt trời.
Bên cạnh đó, New Delhi công bố kế hoạch thúc đẩy việc sản xuất các loại khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Chính phủ cũng cho biết thêm 25 loại khoáng sản được sử dụng trong sản xuất pin xe điện như lithium, đồng, coban và các nguyên tố đất hiếm sẽ được miễn hoàn toàn thuế hải quan
“Các khoáng sản trên là nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác như điện tử, quốc phòng và viễn thông” - Rishabh Jain, chuyên gia tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW), cho biết.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang hợp tác với khu vực tư nhân trong việc phát triển lò phản ứng Bharat - các dự án hạt nhân được thiết kế để tạo ra điện với quy mô nhỏ hơn so với các nhà máy điện hạt nhân lớn truyền thống.
“Đế chế ngành vận tải” Ấn Độ quyết tâm soán ngôi trung tâm logistics toàn cầu của Trung Quốc