Ẩn số cho vay tiêu dùng của ví điện tử Momo nhìn từ cú chốt deal với Apple

20-05-2023 14:58|Hồ Nga

Momo dù không có chức năng cấp tín dụng nhưng ông lớn lĩnh vực ví điện tử đã bắt tay với ngân hàng và cung ứng sản phẩm Ví trả sau.

Như chúng tôi đã đưa tin, Apple đã khai trương cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam. Dễ thấy, hành động này của Apple sẽ phần nào thay đổi cuộc chơi trên thị trường phân phối hàng công nghệ. Sau khi Apple công bố Ví điện tử Momo là đối tác thực hiện chính sách thanh toán của Apple tại Việt Nam thì cuộc chơi trên thị trường thanh toán qua ví điện tử dường như đã ngã ngũ.

Tuy nhiên, còn một góc nhìn khác: Liệu, Momo có lách luật cho vay tiêu dùng nếu thực hiện chương trình Trả góp hàng tháng với MoMo như Apple công bố?

Ẩn số cho vay tiêu dùng của Momo nhìn từ cú chốt deal với Apple

Chương trình Trả góp hàng tháng của Ví điện tử Momo nhìn từ quy định cấp tín dụng tiêu dùng

Ví điện tử Momo được chọn để thực hiện chương trình trả góp hàng tháng. Vấn đề đặt ra là theo quy định của pháp luật Việt Nam, Momo có được cung ứng dịch vụ cho vay tiêu dùng này hay không?

Theo Luật sư Nguyễn Huy Độ - Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH BFB, quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP của Chính Phủ nêu rõ, về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính thì “tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng”.

Như vậy có thể hiểu cho vay trả góp hàng tháng là một trong các nghiệp vụ của hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân. Hiện nay hoạt động cấp tín dụng là một trong những hình thức hoạt động ngân hàng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện nằm trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật đầu tư năm 2020.

Luật sư Nguyễn Huy Độ khẳng định thêm, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, chỉ có các tổ chức tín dụng mới đủ điều kiện kinh doanh các hoạt động ngân hàng bao gồm: ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Như vậy có thể khẳng định việc kinh doanh ngành nghề hoạt động ngân hàng nói chung và cấp tín dụng nói riêng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan. Vì thế, theo luật sư Nguyễn Huy Độ, để trả lời câu hỏi vì sao ví điện tử Momo cung ứng được tín dụng để thực hiện chương trình trả góp hàng tháng của Apple thì phải làm rõ được phương thức, cách thức hợp tác giữa Apple và Ví điện tử Momo cùng các bên có liên quan…

Ẩn số cho vay tiêu dùng của Momo nhìn từ cú chốt deal với Apple

Nguyên tắc 1:1 của Ví điện tử và Ví trả sau của Momo

Ví điện tử xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu và ngày càng được nhiều người sử dụng. Luật sư Nguyễn Huy Độ cho biết, theo quy định hiện hành, ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...). Ví điện tử cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.

Hiểu nôm na, khách hàng có bao nhiêu tiền trong chiếc ví điện tử sẽ được sử dụng khoản tiền đó để thanh toán hóa đơn mua hàng của mình. Và, ví điện tử không được phép thực hiện các hoạt động cho vay như các tổ chức tín dụng.

Nguyên tắc 1:1 của Ví điện tử được áp dụng chung cho các ví điện tử. Vậy thì, làm thế nào để Momo – chiếc ví điện tử đang thực hiện chức năng thanh toán - lại có thể bắt tay với Apple cùng chương trình “Trả góp hàng tháng cùng Momo”? Momo liệu có đang thực hiện chức năng cho vay tiêu dùng kiểu như các ngân hàng, tổ chức cho vay tiêu dùng khác kiểu FE Credit, HomeCredit…?

Câu trả lời nằm ở chỗ: Ví trả sau của Momo.

“Mua trước trả sau” là một trong những xu hướng lớn phát triển nhiều năm qua và bùng nổ trong những năm gần đây. Để giúp khách hàng có thêm nguồn tiền mua hàng hóa ngay lập tức dù họ chưa đủ tiền, các tổ chức tín dụng sẽ “bơm” cho khách.

Momo dù không có chức năng cấp tín dụng nhưng “ông lớn” lĩnh vực ví điện tử đã bắt tay với ngân hàng và cung ứng sản phẩm Ví trả sau. Theo quảng bá trên website của Momo, khi khách hàng mở ví trả sau của Momo thì khách hàng hoàn toàn có thể dùng trước – trả sau miễn phí mà không cần chứng minh thu nhập, không bị tính lãi đến 45 ngày, miễn phí dịch vụ 5 giao dịch đầu tiên và có thể khóa ví bất kỳ lúc nào.

Sản phẩm Ví trả sau của Momo tương đồng với sản phẩm dịch vụ cho vay tiêu dùng mà rất nhiều tổ chức cho vay tiêu dùng như FE Credit, HomeCredit…đang thực hiện. Câu hỏi tiếp theo là "ngân hàng nào ở phía sau cú bắt tay cho vay tiêu dùng giữa Ví điện tử Momo và Apple?".

MoMo hợp tác với Bộ Công an: Người dân sẽ có thể thanh toán điện, nước, thuế, phí... dễ dàng trên VNeID

MoMo khuyến cáo ngừng giao dịch với nhóm người dùng sau

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/an-so-cho-vay-tieu-dung-cua-momo-nhin-tu-cu-chot-deal-voi-apple-184053.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ẩn số cho vay tiêu dùng của ví điện tử Momo nhìn từ cú chốt deal với Apple
    POWERED BY ONECMS & INTECH