Ăn nhầm thịt lợn bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
Thông tin trên Báo điện tử VOV cho biết, bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận bệnh nhân Hà Văn H (55 tuổi, cư trú tại huyện Văn Bàn) nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và nguy cơ tử vong cao sau khi ăn thịt lợn  đã chết.
Cụ thể, ngày 30/5, sau khi một con lợn trong gia đình chết, ông Hà Văn H đã quyết định chế biến nó để ăn. Dù chỉ ăn một lượng nhỏ, nhưng khoảng 6 giờ sau, ông bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa nhiều lần, tiêu chảy không ngừng, hoa mắt và chóng mặt. Ngay sau đó, ông được đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc nhiễm khuẩn và ngộ độc  thực phẩm. Ông H đã được điều trị ban đầu bằng truyền dịch và vận mạch. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, ông được chuyển ngay lên bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai để tiếp tục điều trị. Tại đây, các y bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị tích cực tại khoa hồi sức tích cực - chống độc, tình trạng của ông vẫn rất nghiêm trọng và nguy cơ tử vong rất cao.
Trước trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa I - Trương Ngọc Dũng, thuộc khoa hồi sức tích cực - chống độc, bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai cũng đưa ra cảnh báo với người dân, tuyệt đối không nên mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sử dụng sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, khi nhận thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì không sử dụng, bởi chúng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình, việc phân biệt thịt lợn tươi ngon và thịt lợn ôi thiu là vô cùng quan trọng. Ngoài những đặc điểm về màu sắc, độ đàn hồi, mùi vị, bạn cũng có thể dựa vào phần hạch bạch huyết để nhận biết. Hạch bạch huyết của con lợn khỏe mạnh sau khi cắt sẽ có màu hồng hoặc vàng nhạt. Với lợn bệnh, các hạch bạch huyết sẽ sưng tấy, có màu xám tím. Trên thực tế, vi khuẩn có thể tồn tại trong phân, bụi bẩn, xác lợn và cả những con ruồi, nhặng trong một thời gian dài. Chúng có thể cư trú ở amidan và mũi lợn khỏe mạnh tới một năm.
Trong một đàn lợn, vi khuẩn có thể lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm nhiễm trùng. Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, ăn thịt lợn bị bệnh chết, ăn tiết canh hoặc qua các vết xước. Hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn thịt lợn đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Giá thịt lợn lập đỉnh, ‘đại gia’ chăn nuôi lãi khủng 
Vì sao người bán thường treo thịt bò lên cao trong khi thịt lợn lại bày trên bàn?