Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập CPTPP, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đón 'làn gió mới'
Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản.
Ngày 15/12, Vương quốc Anh chính thức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP ). Như vậy, hơn 99% hàng hóa xuất khẩu của Anh sang các nước thành viên CPTPP sẽ được miễn thuế.
Theo Bộ Công Thương, trong khuôn khổ CPTPP, Anh cam kết mở cửa trong 6 lĩnh vực quan trọng, bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, mua sắm chính phủ, dịch vụ tài chính. Đây được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Anh ký kết kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020. Hiệp định sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam tiếp cận một thị trường có kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên đến 900 tỷ bảng Anh.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), nhận định Vương quốc Anh là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. Trong quá trình đàm phán, Anh đã cam kết tăng cường mở cửa thị trường cho Việt Nam vượt xa các điều kiện trong các FTA song phương trước đây.
Việc Anh gia nhập CPTPP sẽ mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. |
Ngoài thủy sản, các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam cũng có dư địa tăng trưởng lớn khi CPTPP có hiệu lực với Anh. Đáng chú ý, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan đối với gạo, từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, tăng lên 17.500 tấn/năm từ năm thứ 8 (2030) trở đi. Mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, gần gấp đôi so với hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.
Cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là bước tiến quan trọng, giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tránh được sự phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ điều tra chống bán phá giá. Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam sẽ được áp mức thuế hợp lý hơn và có cơ hội cạnh tranh công bằng trên thị trường Anh.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt gần 7 tỷ USD, đưa Anh trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực ghi nhận giá trị xuất khẩu ấn tượng, gồm: thủy sản 290 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ hơn 200 triệu USD, dệt may gần 700 triệu USD, điện thoại và linh kiện khoảng 1,1 tỷ USD, máy móc, thiết bị, phụ tùng khoảng 1,2 tỷ USD.
>>Vốn FDI từ Anh đạt gần 4,5 tỷ USD nhờ sức hút từ hiệp định thương mại tự do