Áp lực tỷ giá và 4 lần hụt mốc 1.280 điểm của VN-Index, chuyên gia chứng khoán nói gì?
Chỉ trong 2 tháng, thị trường chứng khoán đã nhiều lần khuất phục trước cao điểm 1.280. Áp lực tỷ giá khiến nhà đầu tư bắt đầu nghĩ về khả năng điều chỉnh mạnh của VN-Index giống giai đoạn tháng 9-10/2023.
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Giang - Chuyên gia Quản lý tài sản Khách hàng cao cấp - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả về câu chuyện này.
Thưa ông, yếu tố vĩ mô thời điểm hiện tại và giai đoạn cách đây hơn nửa năm có gì khác biệt?
Ông Nguyễn Minh Giang: Ở thời điểm này, thị trường có những điểm tương đồng với giai đoạn tháng 9-10/2023, áp lực tỷ giá thậm chí còn lớn hơn trước. Nếu để ý, có thể thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh nhích nhẹ tỷ giá trung tâm trong những phiên gần đây. Nhà đầu có thể nhìn thấy các động thái như bán dự trữ ngoại hối, can thiệp ở thị trường vàng, phát hành tín phiếu, tăng lãi suất OMO... nhằm kìm hãm tỷ giá.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, có vẻ những động thái trên vẫn chưa đạt được mục đích cao nhất của NHNN.
Nhìn tổng quan, bối cảnh vĩ mô hiện tại khá giống giai đoạn tháng 9-10/2023. Tuy nhiên, yếu tố khác biệt là nội tại của nền kinh tế đối với các nhóm doanh nghiệp sản xuất đang tốt hơn so với thời điểm trước đó. Dễ thấy nhất là việc Tổng cục Thống kê vừa cập nhật báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp với những tín hiệu tăng trưởng tích cực.
Trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 33,8 tỷ USD hàng hóa - tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 5 tháng tăng 18% lên mức 148,7 tỷ USD (bao gồm 140 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất). Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,8 tỷ USD - tăng 16% YoY; tính chung 5 tháng ước đạt 157 tỷ USD - tăng 15,2%.
Ở diễn biến đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước nâng mức tăng trưởng của trung bình 5 tháng đầu năm lên 6,8%. Cụ thể, ngành chế biến - chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%).
Có thể khẳng định, sự phân hóa trong bức tranh tài chính của các doanh nghiệp hiện tại đang tích cực hơn cách đây 7-8 tháng.
Doanh nghiệp sẽ ra sao nếu chính sách tiền tệ đảo chiều?
Ông Nguyễn Minh Giang: Với bối cảnh vĩ mô thế giới, nhiều ngân hàng Trung ương như Anh, Đức có khả năng cao sẽ hạ lãi suất sớm hơn khi dấu hiệu suy thoái đang hiện hữu. Mặt khác, giai đoạn tháng 9-10/2023 cách khá xa so với thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến hạ lãi suất, không gần như lúc này.
Sau thời điểm mà cả NHNN và thị trường "gồng gánh" sức ép từ tỷ giá, tôi cho rằng thời gian tới lãi suất huy động sẽ có sự thay đổi - nhất là sau hành động đảo chiều chính sách của Fed.
Trong trường hợp lãi suất huy động tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng tương ứng, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp có ảnh hưởng gì không?
Theo tôi, các doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều bởi với nền lãi suất quá thấp thì có tăng thêm 1% nữa, bản chất là doanh nghiệp có làm được hay không làm được thì vẫn cần dựa vào nội tại của chính doanh nghiệp, nội tại của nền kinh tế và của các quốc gia liên quan tới cái sự phát triển của doanh nghiệp.
Động thái tăng lãi suất huy động và lãi suất điều hành tác động ra sao đến thị trường chứng khoán?
Ông Nguyễn Minh Giang: Cần nhấn mạnh, nếu lãi suất huy động tăng, thị trường chứng khoán sẽ không tiêu cực đến mức xuất hiện pha giảm hơn 200 điểm như giai đoạn tháng 9-10/2023. Tuy nhiên, nếu lãi suất điều hành tăng, thị trường sẽ phản ứng tương đối gắt trong ngắn hạn.
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đã 4 lần hụt mốc 1.280. Thời điểm cách đây 7-8 tháng, chỉ số cũng nhiều lần "chiến bại" tại cao điểm 1.250. Đâu là quan điểm của chuyên gia về hai khung thời gian này?
Ông Nguyễn Minh Giang: Xét về góc độ kỹ thuật thị trường chứng khoán, rõ ràng vận động của VN-Index từ cuối tháng 11/2023 đến nay tương đối giống giai đoạn giữa năm 2023 (từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10). Tuy nhiên, sự chuyển động của các phân lớp cổ phiếu trong giai đoạn này là không đồng nhất. Nếu như năm ngoái cổ phiếu bất động sản là nhóm "đánh trận đầu" và giữ vai trò dẫn dắt dòng tiền thì ở nhịp tăng đầu tháng 11/2023 vừa qua, ngân hàng chính là nhóm cổ phiếu phát động đà tăng trước khi lan tỏa sang các nhóm còn lại.
Thậm chí, sau trường hợp của VCB, các mã như ACB , HDB , BID, LPB... đều hút mạnh dòng tiền và vượt đỉnh lịch sử.
Mặc dù cổ phiếu ngân hàng đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn (bao gồm cả dòng tiền khối ngoại), tôi cho rằng, khả năng đi xuống của nhóm này chưa thực sự rõ ràng.
Trong khi đó, các nhóm như bán lẻ, thủy sản, dệt may, thép... sau khi tạo đáy trong năm 2023 đang trở lại trong một xu hướng tăng. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để VN-Index có thể thuận vượt mốc 1.300 trong ngắn hạn.
Cần bao lâu để VN-Index chinh phục được cao điểm 1.280?
Ông Nguyễn Minh Giang: Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tích lũy trong vùng 1.250-1.280 điểm để tìm sự cân bằng, "thay máu dòng tiền". Xác suất để chỉ số vượt mốc 1.285 trong tháng 6 sẽ là tương đối thấp. Tuy nhiên, để lo sợ về kịch bản VN-Index giảm hơn 200 điểm như giai đoạn cách đây 7-8 tháng thì không khả thi.
Hỗ trợ trước mắt của thị trường là 1.250 và 1.220 điểm. Theo tôi, vùng 1.220 +/-5 sẽ là hỗ trợ mạnh của thị trường, có thể kích hoạt dòng tiền lớn gia nhập chủ động.
Theo quan sát, dù nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua như ngân hàng, bán lẻ, cao su... song vẫn còn nhiều nhóm cổ phiếu chưa thực sự "chạy" như đầu tư công, BĐS khu công nghiệp... Thậm chí, nhiều bluechip như GAS , PLX, POW, BSR mới vừa thoát xu hướng đi ngang. Hay như cổ phiếu MSN  cũng mới bắt đầu vào xu hướng tăng trung/dài hạn.
Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán tới đây sẽ tăng chậm lại, tâm điểm đầu tư sẽ hướng đến các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt trong quý II. Nhà đầu tư cần duy trì một vị thế tốt, mua và nắm giữ ở các vùng hỗ trợ thay vì trading liên tục. Trong giai đoạn này, việc duy trì kỷ luật đầu tư là điều cần thiết, FOMO ở những nhịp break có thể dẫn đến thua lỗ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
>> Thị trường ‘đánh úp’ cuối phiên, VN-Index giảm 9 điểm, nhóm cổ phiếu APEC nằm sàn