‘Át chủ bài’ Đức Giang Nghi Sơn có thể mang về bao nhiêu tiền cho DGC trong giai đoạn I?
Với việc nguồn cung xút tại Việt Nam có thể thiếu hụt đến ít nhất năm 2030, dự án Đức Giang Nghi Sơn được kỳ vọng sẽ mang về hàng trăm nghìn tỷ doanh thu cho DGC.
Báo cáo mới nhất của Chứng khoán DSC cho biết, mặc dù xút là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp và thực phẩm Việt Nam, tuy nhiên công suất sản xuất nội địa vẫn chưa thể đáp ứng 50% nhu sử dụng xút.
Nguyên nhân của việc này đến từ nguồn cung muối công nghiệp của nước ta không đáp ứng được về chất lượng và biến động mạnh theo mùa, dẫn tới việc phải nhập khẩu gần như toàn bộ. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất xút hiện không có đủ nguồn lực để giải quyết khí clo dư thừa khiến các nhà sản xuất khó hoạt động hết công suất.
Do việc giải quyết hai vấn đề này cần nguồn lực đầu tư lớn trong thời gian dài, DSC nhận định rằng thị trường xút sẽ còn thiếu hụt đến ít nhất năm 2030.
Nguồn cung xút không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện tại (Nguồn: DSC) |
>> Cơ hội cho Hóa chất Đức Giang (DGC) từ việc Mỹ, EU, Trung Quốc cạnh tranh giá xe điện 
Với dự án Đức Giang Nghi Sơn, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (MCK: DGC) sẽ thành công giải quyết được vấn đề xử lý khí clo và dễ dàng hoạt động 100% công suất sau khi hoàn tất xây dựng. DGC sử dụng công nghệ điện phân màng ngăn thay vì hai công nghệ hiện hành tại thị trường Việt Nam hiện tại.
Theo khảo sát, DSC thấy rằng DGC chỉ cần sử dụng thêm không đáng kể lượng muối công nghiệp (chiếm 30% giá vốn đầu vào), nhưng lại có thể tiết kiệm ít nhất 1000 KwH (chiếm 50% giá vốn hàng bán) so với các đối thủ như CSV.
Ngoài ra, việc mặt bằng giá điện Việt Nam dù dự báo sẽ tăng nhưng vẫn rẻ hơn đáng kể so với các nhà sản xuất Ấn Độ và Trung Quốc sẽ giúp DGC đạt được lợi thế về chi phí khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo DSC, giai đoạn I (từ quý III/2024 đến quý I/2026) của dự án sẽ tập trung sản xuất xút và các sản phẩm từ khí clo, ước tính doanh thu đạt 240.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận ước tính khoảng 17-19% (tương đương với CSV do công nghệ của DGC cần sử dụng nhiều muối đầu vào hơn).
Giai đoạn I của dự án Đức Giang Nghi Sơn (Nguồn: DSC) |
Mặt khác, theo kế hoạch, giai đoạn II của tổ hợp Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn sẽ sản xuất nhựa dẻo, đặc biệt là sản phẩm PVC. Tuy nhiên, do công nghệ sử dụng xúc tác thủy ngân gây ô nhiễm nặng bị cấm, DGC dự kiến sẽ tạm hoãn sản xuất PVC cho đến ít nhất năm 2029 để kiểm nghiệm công nghệ.
>> Trung Quốc đối mặt ‘thế gọng kìm’, Hóa chất Đức Giang (DGC) ‘rộng cửa’