Bà Ngọc Thưởng lừa 16 tiệm vàng, 4 hiệu cầm đồ, chiếm đoạt tổng cộng 229 triệu: Công an vào cuộc, chuyên gia chỉ cách nhận biết vàng thật - giả
Giá vàng tăng liên tục trong thời gian gần đây đã tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng sự lơ là trong kiểm tra, mang vàng giả bán hoặc cầm cố tại các cửa hàng.
Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo vàng giả
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Thuận mới đây đã tạm giữ hình sự Trương Thị Ngọc Thưởng (sinh năm 1980, ngụ huyện Ninh Phước) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Thưởng lợi dụng thói quen chỉ kiểm tra phần chốt khóa của các tiệm vàng khi nhận cầm dây chuyền, đã lên mạng xã hội đặt mua dây chuyền vàng giả. Sau đó, đối tượng thuê người gia công, thay thế chốt khóa bằng vàng thật để tạo cảm giác tin cậy trước khi mang đến tiệm cầm cố.

Với chiêu thức này, Thưởng đã qua mặt trót lọt 16 tiệm vàng và 4 hiệu cầm đồ, chiếm đoạt tổng cộng 229 triệu đồng thông qua 20 sợi dây chuyền giả. Tuy nhiên, đến lần thứ 21 thực hiện hành vi, đối tượng bị phát hiện và bắt giữ.
Tại Hà Nội, một vụ việc tương tự cũng từng gây xôn xao dư luận. Ngày 20/3, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Phạm Mạnh Giỏi (sinh năm 1986, trú tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) – kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo tinh vi bằng vàng giả. Theo cáo trạng, Giỏi từng là thợ kim hoàn nhưng đã nghỉ việc từ năm 2019. Đến tháng 5/2023, do túng thiếu tài chính, đối tượng nảy sinh ý định lừa đảo các cửa hàng vàng.

Giỏi đưa tiền cho đồng phạm mua dây chuyền vàng thật loại 9999, nặng 10 chỉ, sau đó mang đi cầm cố nhằm tạo lòng tin với tiệm. Ít ngày sau, nhóm này quay lại chuộc đồ để mang về cho Giỏi. Với kỹ năng nghề kim hoàn sẵn có, Giỏi chế tác dây chuyền giả bằng cách tạo các mắt xích từ bạc, phủ một lớp vàng mỏng lên trên. Để tăng tính thuyết phục, hắn còn cắt phần móc khóa từ dây chuyền thật – có khắc ký hiệu từ cửa hàng – rồi gắn vào hai đầu dây chuyền giả. Sau đó, nhóm này mang sản phẩm quay lại chính tiệm vàng từng giao dịch trước đó để tiếp tục cầm cố hoặc bán lại.
Cơ quan tố tụng xác định nhóm Giỏi đã thực hiện 10 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 527 triệu đồng từ 8 cửa hàng vàng tại Hà Nội và Bắc Giang.
Cảnh báo từ chuyên gia và lời khuyên cho người tiêu dùng
Trước diễn biến phức tạp của các vụ lừa đảo liên quan đến vàng giả , ông Đỗ Huy Thành – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Huy Thành (Huy Thanh Jewelry) – cho rằng người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác khi mua bán, giao dịch vàng.
Theo ông Thành, hiện trên thị trường, vàng được chia thành hai nhóm chính dựa trên mục đích sử dụng: vàng trang sức và vàng 24K tích lũy. Vàng trang sức – thường là loại 10K, 14K, 18K – có pha trộn với các kim loại khác để tăng độ cứng và độ sáng bóng, phù hợp cho nhu cầu đeo hàng ngày. Trong khi đó, vàng 24K gần như nguyên chất (99,99%) lại được ưu tiên cho mục đích tích trữ và đầu tư.

Ông Thành cũng nhấn mạnh rằng, vàng trang sức thường có độ bền cao hơn, ít bị móp méo do kết cấu kim loại hỗn hợp. Ngược lại, vàng 24K khá mềm, dễ bị biến dạng nếu sử dụng thường xuyên. Xét về giá trị, vàng trang sức có thêm yếu tố thiết kế và công nghệ chế tác tinh xảo nên giá bán được niêm yết theo sản phẩm. Vàng 24K thì biến động theo thị trường.
Ông Thành cảnh báo rằng, nhiều đối tượng lừa đảo thường lợi dụng hình thức bề ngoài giống vàng thật của các sản phẩm mạ vàng hoặc trang sức giả để trục lợi. Những món đồ này chỉ có lớp phủ giống vàng, thường được dùng cho mục đích trang trí hoặc thời trang giá rẻ. Nếu người mua không kiểm tra kỹ, rất dễ bị đánh lừa.
Dù có thể phân biệt vàng thật – vàng giả bằng mắt thường ở mức độ nhất định, nhưng ông Thành lưu ý rằng phương pháp này không hoàn toàn chính xác. Vàng thật thường có màu sáng bóng, đồng đều, bề mặt mịn, không bong tróc và khắc ký hiệu rõ ràng như 24K, 18K, 999, 750… Trong khi đó, vàng giả thường có màu chói bất thường, ký hiệu mờ hoặc không có, lớp mạ dễ bong, để lộ kim loại khác bên trong.
Một số mẹo khác như thử nam châm, ngâm trong giấm, hoặc dùng nhiệt cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Ông Thành khuyên người tiêu dùng nên mang sản phẩm đến kiểm định tại các thương hiệu uy tín, có trang bị máy móc chuyên dụng. Như tại Huy Thanh Jewelry, việc kiểm định được thực hiện bằng máy phân tích quang phổ huỳnh quang tia X, dưới sự giám sát của đội ngũ kỹ thuật viên chuyên môn cao.
Cuối cùng, ông Thành nhận định vụ việc vừa qua là bài học cảnh tỉnh không chỉ với các tiệm vàng mà còn với người tiêu dùng. Các cửa hàng nên kiểm tra toàn bộ sản phẩm, không chỉ phần móc khóa mà cả lõi dây, mặt dây hay ổ đá. Đồng thời, cần đầu tư thiết bị hiện đại và cập nhật các thủ đoạn lừa đảo mới để kịp thời phòng tránh. Người tiêu dùng nên ưu tiên mua vàng tại các thương hiệu lớn, có hóa đơn, giấy chứng nhận và chính sách mua bán rõ ràng để bảo vệ quyền lợi bản thân.
Cựu hành viên nhóm nhạc T-ara bị tuyên án tù với tội danh lừa đảo
Chủ tịch Vietravel Airlines bị giả danh lừa đảo, phải lập tức gửi thông báo nóng