Bạc Liêu ‘đeo bám đến cùng’ dự án điện khí 4 tỷ USD
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều - cho biết, tỉnh sẽ quyết liệt đeo bám tới cùng để khởi công Dự án Nhà máy điện khí gần 4 tỷ USD trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, vì có dự án này tỉnh mới có động lực thực sự để "trở mình" phát triển.
Chia sẻ với báo chí về định hướng phát triển thời gian tới, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu  - cho biết, chỉ ra loạt điểm nghẽn cản trở sự phát triển của địa phương, như tỉnh không sân bay, không đường sắt, không cảng biển. Bên cạnh đó, những năm gần đây tỉnh Bạc Liêu luôn phải đối mặt với sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
"Chưa lần nào vùng Bắc quốc lộ 1A bị sạt lở lại sạt lở hơn 1 km và đoạn sông Bạc Liêu - Cà Mau cũng liên tục bị sạt lở như năm vừa qua", ông Thiều nói.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. |
Theo ông Thiều, việc “lỡ hẹn” dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu cũng tác động rất lớn đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự án dự kiến triển khai giai đoạn 2020 - 2025 nhưng tới thời điểm này thủ tục vẫn chưa xong.
“Nếu Bạc Liêu được triển khai dự án điện khí 800MW trên theo kế hoạch, sẽ đứng đầu tăng trưởng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thiều nói.
Năm 2025, ông Thiều cho rằng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ quyết liệt khắc phục những khó khăn nội tại. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thể hiện quyết tâm tiếp tục triển khai Nhà máy điện khí LNG, với vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD để tạo động lực cho phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.
"Tỉnh không thể nào bỏ lỡ cơ hội làm nhà máy điện khí, nếu bỏ lỡ trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 thì Bạc Liêu sẽ khó phát triển. Tỉnh vẫn quyết liệt đeo bám tới cùng để khởi công dự án điện này trong nhiệm kỳ”, ông Thiều nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2024, người đứng đầu UBND tỉnh Bạc Liêu cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngoài kết quả đạt được, vẫn còn khá phổ biến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chưa mạnh dạn trong tham mưu đề xuất và xử lý công việc.
Ngoài ra, Bạc Liêu là địa phương vùng trũng của giao thông, nên dù có ưu đãi thu hút đầu tư doanh vẫn e ngại, vì chi phí logistic quá lớn, khó cạnh tranh với các tỉnh thành khác.
Dù khó khăn, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu vẫn quyết tâm không chùn bước. Kết quả năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt hơn 6,6%, đặc biệt lần đầu tiên 2 năm liền Bạc Liêu xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD/năm; lúa gạo đạt 1,2 triệu tấn. Thu ngân sách từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều đạt và vượt chỉ tiêu (năm 2024 hơn 4.207 tỷ đồng, tăng 7,6%)...
Cũng theo ông Thiều, trong năm nay, tỉnh sẽ tổ chức Festival nghề muối Việt Nam (từ ngày 6 – 8/3/2025), nhằm tôn vinh nghề làm muối - nghề có lịch sử lâu đời của tỉnh. Thông qua sự kiện, tỉnh mong muốn diêm dân có thể sống được, khá lên và làm giàu từ muối, giữ được nghề muối truyền thống.
Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu dự kiến đặt tại huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, từ vốn FDI, thuộc loại lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch trước, giai đoạn 1 của dự án có công suất 800MW vận hành năm 2024, giai đoạn 2 đạt đủ công suất 3.200MW cuối 2027. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, như đàm phán hợp đồng mua - bán điện, cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh tín dụng... nên dự án bị chậm và lùi tiến độ nhiều lần, tới nay vẫn chưa thể khởi công.
>> 2 chỉ đạo 'nóng' của Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu được người dân hưởng ứng 
Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu 
Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cùng thuộc cấp bị kỷ luật cảnh cáo