Thủ tướng: Việt Nam cứu hộ động đất tại Myanmar với tinh thần vô tư, trong sáng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều nay dự lễ tuyên dương lực lượng QĐND, CAND Việt Nam hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất, hoàn thành nhiệm vụ trở về nước.
Ngày 28/3, Myanmar xảy ra trận động đất với cường độ mạnh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Bộ Quốc phòng đã cử 80 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn làm trưởng đoàn.

Bộ Công an cũng cử lực lượng gồm 26 cán bộ, chiến sĩ, 2 chó nghiệp vụ cùng khí tài hiện đại sang nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế. Đoàn của Bộ Công an do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ làm trưởng đoàn.
Đoàn Quân đội đã phát hiện và đưa ra 21 thi thể; phối hợp với lực lượng cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống được 1 nam thanh niên 26 tuổi.
Đoàn Bộ Công an đã trực tiếp đưa ra ngoài khu vực sập đổ 7 thi thể nạn nhân, đồng thời tham gia phối hợp phát hiện vị trí và hỗ trợ các lực lượng chức năng, các đoàn quốc tế khác đưa 7 người bị nạn và bàn giao cho các gia đình và cơ quan chức năng.
![]() | ![]() |
Phát biểu tuyên dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là lần thứ 3 Việt Nam cử lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa ở nước ngoài.
Chỉ sau 24 giờ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai các mặt công tác, tổ chức nhanh về lực lượng, phương tiện, khí tài.
Tại khu vực bị ảnh hưởng động đất, lực lượng chức năng vượt qua khó khăn, không sợ hiểm nguy, tranh thủ từng giờ, từng phút để phối hợp tìm kiếm cứu nạn; kịp thời xác định nhiều điểm có người bị mắc nạn, bàn giao cho chính quyền nước sở tại xử lý.

Đoàn Việt Nam hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar thể hiện bản chất anh hùng, sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội, Công an Việt Nam. Việc cứu hộ, cứu nạn còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái; tinh thần quốc tế cao cả, vô tư, trong sáng của dân tộc Việt Nam, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực của đoàn công tác và các cơ quan, đơn vị trong phối hợp tổ chức bảo đảm cho lực lượng.
Rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm
Thủ tướng cho rằng, qua việc tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất, đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, đánh giá kỹ lưỡng về năng lực ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống của Việt Nam.
Đó là việc nắm chắc tình hình, khi có các vấn đề phát sinh, xuất hiện các sự cố, thảm họa; có phương án huy động các lực lượng và phương tiện phù hợp thiết thực, hiệu quả; chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về lực lượng, phương tiện...


Thủ tướng cho biết, thời gian tới, những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là tình hình thiên tai, thảm họa ngày càng phức tạp, khó lường.
Việc chuẩn bị, đối phó với những thách thức, nguy cơ đó càng trở nên khẩn trương, cấp bách. Đất nước ta cần đề cao hơn nữa nhân tố con người, an ninh con người, an ninh, an toàn cuộc sống cho người dân.
Bối cảnh, tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.
Cùng với đó, cần thực hiện có hiệu quả các chiến lược về phòng thủ dân sự; phòng, chống thiên tai, thảm họa, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư cho các lực lượng ứng phó thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng chuyên trách đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát, kiện toàn các kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tổ chức luyện tập thuần thục các phương án...

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đánh giá, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị; nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm các nước.
>>Đoàn cứu hộ Bộ Công an kết thúc nhiệm vụ tại Myanmar, chuẩn bị lên đường về nước
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất mạnh 8 độ Richter gia tăng ở Trung Quốc và các khu vực lân cận
Tòa nhà chọc trời 101 tầng giữa trung tâm thành phố 'sống sót' sau động đất mạnh nhất 25 năm