Khám phá

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất mạnh 8 độ Richter gia tăng ở Trung Quốc và các khu vực lân cận

Vũ Bấc 08/04/2025 - 12:57

Khi thế giới còn chưa kịp hồi phục sau trận động đất kinh hoàng tại Myanmar, các nhà địa chấn học Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gia tăng các thảm họa tương tự tại Trung Quốc và khu vực Tây Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia địa chấn Trung Quốc vừa cảnh báo nguy cơ gia tăng các trận động đất mạnh, sau khi một nghiên cứu mới cho thấy các khu vực ở Trung Quốc và lân cận đang bước vào giai đoạn hoạt động địa chấn mới.

Nghiên cứu được nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi kỹ sư cao cấp Zhu Hongbin (Cơ quan Động đất Bắc Kinh) công bố ngày 20/3 trên Tạp chí Trắc địa và Địa động lực, cho thấy mối liên hệ giữa chu kỳ quay của Trái Đất và tần suất các trận động đất lớn. Dữ liệu phân tích từ năm 1879 đến nay cho thấy có ít nhất sáu giai đoạn hoạt động mạnh tại Trung Quốc và các vùng lân cận.

Nghiên cứu được công bố chỉ vài ngày trước trận động đất 7,9 độ Richter tàn phá Myanmar hôm 28/3, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và phá hủy hàng loạt công trình. Nhóm chuyên gia cho rằng đây có thể chưa phải là thảm họa cuối cùng trong chu kỳ địa chấn hiện tại.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất mạnh 8 độ Richter gia tăng ở Trung Quốc và các khu vực lân cận - ảnh 1
Một ngôi chùa bị phá hủy nặng nề do trận động đất ngày 29/3 tại thành phố cổ Ava, Myanmar

Theo nhóm nghiên cứu, các giai đoạn địa chấn lớn có xu hướng trùng với sự thay đổi tốc độ quay của Trái Đất, thể hiện qua độ dài của một ngày (LOD). Những thay đổi này dẫn đến sự điều chỉnh lại ứng suất kiến tạo – yếu tố trực tiếp gây ra các trận động đất mạnh.

Hai khu vực được đánh giá có nguy cơ cao nhất trong thời gian tới là Tứ Xuyên, Vân Nam và khu vực Himalaya , nơi các trường ứng suất đang dịch chuyển theo hướng đông bắc. "Khu vực này hiện có thể đang bước vào giai đoạn đầu của một thời kỳ hoạt động địa chấn mới", nhóm của Zhu nhận định.

Từ năm 1867, Trái Đất đã trải qua bốn giai đoạn tăng tốc – giảm tốc chính và 16 pha ngắn hơn. Các pha giảm tốc thường khuếch đại ứng suất kiến tạo bắc-nam, gây ra các trận động đất lớn tại vành đai Pamir-Baikal. Trong khi đó, các pha tăng tốc lại làm gia tăng ứng suất hướng đông bắc, đe dọa sự ổn định của các khu vực rìa cao nguyên Tây Tạng.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự tích tụ ứng suất tại đứt gãy Longmenshan (dãy núi Long Môn Sơn, tỉnh Tứ Xuyên) ở Tây Nam Trung Quốc – nơi xảy ra trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 – và đứt gãy Đông Himalaya, nơi các số liệu GPS ghi nhận sự dịch chuyển về phía bắc của mảng kiến tạo Ấn Độ đang gia tăng tốc độ.

Trận động đất tại Myanmar diễn ra đúng vào thời điểm chuyển tiếp của chu kỳ LOD, trùng khớp với một trong những khu vực có nguy cơ cao do áp lực kiến tạo hướng đông bắc gia tăng. Dữ liệu vệ tinh ghi nhận một đới đứt gãy kéo dài khoảng 500 km về phía nam, tới tận Thái Lan, với cơ chế dịch chuyển phù hợp với các lực kiến tạo được dự đoán.

Khoảng cách chỉ 280km giữa tâm chấn Myanmar và rìa Đông Nam của cao nguyên Tây Tạng càng củng cố sức nặng cho các phát hiện của nhóm nghiên cứu do Zhu Hongbin dẫn đầu.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất mạnh 8 độ Richter gia tăng ở Trung Quốc và các khu vực lân cận - ảnh 2
Các nhà khoa học cảnh báo các khu vực (khoanh vùng đỏ và xanh) có nguy cơ cao xảy ra động đất thảm khốc trong vài năm tới

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng tình với các kết quả nghiên cứu trên. Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù trận động đất ở Myanmar có vẻ phù hợp với mô hình dự báo, nhưng nhìn chung, hoạt động địa chấn toàn cầu trong năm 2025 vẫn ở mức thấp hơn so với trung bình lịch sử.

"Không có bằng chứng nào cho thấy Trái Đất đang chuyển sang giai đoạn rung lắc mạnh," ông Gao Mengtan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Cục Quản lý Động đất Trung Quốc, phát biểu với truyền thông nhà nước hôm thứ Hai. Ông nhấn mạnh: “Các hoạt động địa chấn trong năm nay thực tế đang diễn ra chậm hơn so với những năm trước.”

Ngay sau thảm họa tại Myanmar, một trận động đất khác mạnh 7,3 độ Richter xảy ra ngày 30/3 ngoài khơi Tonga, cách bờ biển nước này khoảng 100 km về phía đông bắc. Dù không gây sóng thần, trận động đất này tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Cùng thời gian, nhiều cơn chấn động nhỏ đã được ghi nhận tại Tây Tạng , Tân Cương và Quảng Đông, gây tâm lý hoang mang cho người dân địa phương và đặt ra câu hỏi liệu những biến động gần đây có báo hiệu một giai đoạn địa chấn bất thường hay không.

Tham khảo South China Morning Post (SCMP)

>> Tòa nhà chọc trời 63 triệu USD đổ sập trong vài phút: Nghi vấn nhà thầu Trung Quốc sử dụng thép kém chất lượng

Tòa nhà chọc trời 101 tầng giữa trung tâm thành phố 'sống sót' sau động đất mạnh nhất 25 năm

Ngôi chùa 2.500 tuổi nằm chênh vênh trên tảng đá ‘sống sót’ thần kỳ sau trận động đất kinh hoàng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-dong-dat-manh-8-do-richter-gia-tang-o-trung-quoc-va-cac-khu-vuc-lan-can-139865.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất mạnh 8 độ Richter gia tăng ở Trung Quốc và các khu vực lân cận
    POWERED BY ONECMS & INTECH