Gián lai robot của Singapore hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn sau trận động đất ở Myanmar
Tổng cộng 10 con gián lai robot từ Singapore đã được gửi đến Myanmar để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn sau khi nước này hứng chịu trận động đất mạnh 7,7 độ khiến hơn 3.000 người thiệt mạng.
![]() |
Gián lai robot tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Myanmar. (Ảnh: HTX) |
Những con gián này được đưa bằng máy bay đến Myanmar và hiện đang được sử dụng bởi Chiến dịch Lionheart của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF).
Đây là lần đầu tiên trên thế giới, robot lai côn trùng được sử dụng trong hoạt động cứu hộ nhân đạo trên thực địa.
Ý tưởng này được phát triển bởi Công ty Khoa học và Công nghệ Home Team (HTX), phối hợp cùng Đại học Công nghệ Nanyang và Tổ chức Klass Engineering and Solutions.
Chúng được triển khai lần đầu tiên ở Myanmar vào ngày 31/3, và được triển khai hai lần trong ngày 3/4 tại thủ đô Naypyitaw.
Trong lần triển khai đầu tiên, những con gián đã tham gia tìm kiếm tại một bệnh viện bị sập có diện tích bằng hai sân bóng đá.
SCDF đã thăm dò một phần hiện trường bằng chó nghiệp vụ và yêu cầu sử dụng gián lai robot để kiểm tra sâu hơn dưới đống đổ nát. Quá trình này mất khoảng 45 phút.
![]() |
Hiện trường một vụ sập nhà do động đất ở Mandalay (Myanmar). (Ảnh: Reuters) |
Mỗi con gián Madagascar dài khoảng 6 cm, được gắn camera hồng ngoại và cảm biến trên lưng. Nhờ kích thước nhỏ, gián lai robot có thể di chuyển trong không gian chật hẹp dưới đống đổ nát nhờ bộ điều khiển từ xa.
Thông tin thu thập được qua camera và cảm biến của những con gián sẽ được xử lý bằng thuật toán, giúp xác định xem có dấu hiệu của sự sống hay không. Sau đó, các thông tin này được gửi lại cho nhóm kỹ sư để triển khai nguồn lực nếu cần.
Bất chấp thời tiết nắng nóng, những con gián vẫn đang trong tình trạng tốt, được chăm sóc đầy đủ bằng nước và cà rốt.
Đến thời điểm hiện tại, đàn gián chưa tìm thấy bất kỳ người sống sót nào, nhưng đã có thể giúp các đội cứu hộ khảo sát những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
>>Trung Quốc kêu gọi đảm bảo an toàn cho đoàn cứu trợ ở Myanmar