Tân Tổng Giám đốc Bamboo Airways - ông Lương Hoài Nam khẳng định, hãng hàng không sẽ được tái cấu trúc theo một mô hình kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn trước đây.
Những nhân tố mới
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa liên tiếp công bố các nhân sự mới đảm nhiệm vị trí quan trọng như tổng giám đốc và phó tổng giám đốc. Trong đó, tân CEO Bamboo Airways, ông Lương Hoài Nam là tiến sĩ hàng không tại Nga, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không - du lịch, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý, điều hành cấp cao tại các hãng hàng không lớn.
Sự hiện diện của ông Lương Hoài Nam tại Bamboo Airways theo thông cáo báo chí phát đi từ hãng hàng không này được khẳng định “là kết quả của quyết định đến từ nhà đầu tư mới của hãng bay”. Đây cũng được xem là bước tiến mới nhất trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện đang được hãng hàng không tiếp tục đẩy mạnh. Đặc biệt trong đó có công cuộc tái cấu trúc về bộ máy quản trị - điều hành, hướng tới ổn định hoạt động, thu hút nguồn lực đầu tư chất lượng, tạo cơ hội cho sự phát triển mạnh mẽ trong trung hạn.
Chỉ 10 ngày sau, Bamboo Airways tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải vào vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách chương trình tái cấu trúc Bamboo Airways. Ông Nguyễn Thượng Hoàng Hải là lãnh đạo có 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các công ty hàng không lớn.
Trong lời phát biểu khi nhậm chức, ông Lương Hoài Nam bày tỏ sự tự tin với nhận định: “Quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways đã và đang diễn ra với đường hướng rõ ràng và đúng đắn, với tính quyết liệt nhất. Tôi đánh giá đây là dự án tái cấu trúc toàn diện nhất, chiến lược nhất, sâu rộng nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam”.
Trên cương vị Tổng Giám đốc Bamboo Airways, ông Lương Hoài Nam cam kết nỗ lực hết sức mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó, góp phần tăng tốc quá trình tái cấu trúc hãng, để hãng sớm ổn định hoạt động, mở ra cơ hội phát triển mới trên một nền tảng bền vững.
Tái cấu trúc theo một mô hình kinh doanh phù hợp
Được biết, mục tiêu trước tiên của ông Nam khi tiếp quản “ghế nóng” ở hãng hàng không này là sớm đưa quy mô đội tàu bay về lại 30 tàu bay như hãng đã từng có, rồi hướng tới quy mô 50-70 máy bay trong giai đoạn sau. Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định rằng Bamboo Airways sẽ được tái cấu trúc theo một mô hình kinh doanh phù hợp hơn, hiệu quả hơn so với trước đây.
Gần đây Bamboo Airways đã triển khai quyết liệt các giải pháp để tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh doanh, bao gồm cả những biện pháp mạnh tay như loại bỏ các máy bay đường dài, ngừng khai thác các đường bay quốc tế thường lệ khu vực.
Ông Nam cho rằng bay đường dài từng là “tham vọng” của Bamboo Airways, nhưng trong tình hình thị trường quốc tế hiện nay, các đường bay này là bất khả thi về mặt kinh tế.
Ngay trong thời gian trước mắt, Bamboo Airways tập trung phát triển đội máy bay phản lực khu vực đồng loại Airbus A320, A321, tập trung khai thác các đường bay nội địa trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM, Đà Nẵng và các đường bay du lịch có thị trường lớn.
“Đây là hoạt động cần thiết để hãng nâng cao hiệu quả của mô hình kinh doanh mới’’, đại diện hãng cho biết.
Đánh giá về chiến lược tái cơ cấu của Bamboo Airways, một số chuyên gia tài chính, hàng không cũng cho rằng nếu hãng bay này thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc thì sẽ có “cửa sáng” để vượt qua khủng hoảng, trở lại thị trường với một diện mạo mới. Đồng thời hãng quyết tâm giữ những giá trị cốt lõi làm nên tên tuổi của hãng như: bay đúng giờ, dịch vụ tốt, gây được cảm tình thương hiệu, được khách hàng yêu mến, lựa chọn, tin tưởng đồng hành.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, trong những năm đầu khởi sự với chi phí đầu tư ban đầu "khủng", việc sử dụng đội tàu bay nhiều chủng loại làm phát sinh chi phí lớn. Cùng các khó khăn khách quan, hãng bay cần đơn giản hóa đội bay để tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa doanh thu, trước khi tiếp tục theo đuổi các mục tiêu mới.
"Đây có thể xem là bước lùi khôn ngoan, tỉnh táo và thực dụng, nhưng có ý nghĩa quyết định sống còn và khó có thể né tránh trong thị trường hàng không nhiều biến động, rủi ro như hiện nay", chuyên gia khẳng định.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh về quy mô, với nỗ lực tiếp cận nhiều đường bay hỗ trợ các địa phương còn thiếu hạ tầng hàng không, đây là lúc Bamboo Airways buộc phải đánh giá lại hiệu quả khai thác sau 5 năm hoạt động, thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại đội máy bay, mạng bay hướng tới các mục tiêu hiệu quả và phù hợp với điều kiện tài chính.
Việc hãng thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt được tin tưởng sẽ tạo niềm tin hãng bay sẽ trụ vững và phát triển trở lại hiệu quả.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ban ngành xem xét phương án hỗ trợ Bamboo Airways tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các khoản vay, tăng cường thanh khoản…
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ chính hãng bay, sự trợ giúp từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là sự yêu mến của người dân, dư luận đã bắt đầu tin tưởng Bamboo Airways sẽ sớm hồi phục và trở lại với đà tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững.
Hà An
Bắt đối tượng cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không 
VNI đạt 2.789 tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu 2024