Bán đảo bị ‘treo’ hơn 30 năm sẽ trở thành điểm đến mang tầm quốc tế của Việt Nam
Theo TP. HCM, khu vực này sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng với các công trình cao nhất, đẹp nhất của thành phố, nổi bật trên một nền xanh rộng lớn.
Trong tờ trình mới nhất gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, UBND TP. HCM đã đề ra định hướng phát triển bán đảo Thanh Đa .
Theo đó, khu vực này sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng với các công trình cao nhất, đẹp nhất của thành phố, nổi bật trên một nền xanh rộng lớn.
Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng định hướng phát triển bán đảo Thanh Đa thành một điểm đến hấp dẫn, mang tầm cỡ quốc tế, hình thành một tam giác với khu trung tâm đô thị lịch sử (bao gồm trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và khu vực phụ cận) và khu vực hiện đại của trung tâm Thủ Thiêm trong tương lai.
UBND TP nhấn mạnh: “Tính chất chính của khu vực này sẽ là một công viên đất ngập nước đẳng cấp quốc tế, được tái cấu trúc thành một vùng trũng sinh thái, nơi bảo tồn sinh quyển đất ngập nước với cảnh quan hấp dẫn và kết nối liên thông trong toàn khu".
Trong kế hoạch, bán đảo Thanh Đa sẽ được quy hoạch với các trung tâm đô thị cao tầng, có hệ số sử dụng đất cao nhằm giảm thiểu mật độ xây dựng và mở rộng tầm nhìn ra toàn cảnh. Các chức năng của khu vực này bao gồm hành chính, văn phòng, nhà ở cao cấp, khách sạn, thương mại dịch vụ, đặc biệt là phục vụ du khách.
UBND TP. HCM cũng yêu cầu khu vực này phải thể hiện và phát huy những kỹ thuật xử lý môi trường sinh thái tiên tiến, đồng thời tạo ra các kết nối giao thông thủy bộ, giao thông công cộng thuận tiện giữa khu vực này với trung tâm thành phố và khu vực Thủ Thiêm.
Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng biến bán đảo Thanh Đa thành công viên sinh thái được đề xuất. Trước đó, vào tháng 5, Liên danh tư vấn Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã đưa ra ý tưởng này.
Trong bản phác thảo ý tưởng của liên danh tư vấn, Thanh Đa tương lai sẽ được phủ xanh bởi các khu công viên và không gian xanh, với một công trình biểu tượng nổi bật ở trung tâm bán đảo, và một phần nhỏ được dành cho phát triển đô thị.
Trong động thái mới nhất liên quan đến kế hoạch chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), UBND TP. HCM cho biết đến ngày 30/4/2025 sẽ hoàn thành tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư cho khu Bình Quới - Thanh Đa.
UBND TP đánh giá: “Việc đầu tư này sẽ góp phần giải quyết vấn đề quy hoạch kéo dài tại khu vực, tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân; đồng thời huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển chung của quận Bình Thạnh và TP. HCM".
Ngoài ra, UBND TP cũng phân tích thêm rằng việc đầu tư tại khu vực này sẽ tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương, tạo nguồn thu thuế đóng góp cho xã hội, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP. HCM, cho biết: “Việc tìm kiếm một công trình kiến trúc điểm nhấn, mang tính biểu tượng ở TP. HCM là cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện này đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn chưa được triển khai. Vị trí có thể cân nhắc là dọc sông Sài Gòn hoặc một địa điểm phù hợp nào đó, nhưng điều quan trọng là công trình phải đạt tầm cỡ. Khi nhìn thấy nó, người ta phải nhận ra ngay đó là TP. HCM, giống như chợ Bến Thành đã trở thành hình ảnh quen thuộc với cả người dân và du khách trong và ngoài nước".
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992, nằm trong phường 28 của quận Bình Thạnh với diện tích gần 427ha.
Đến tháng 6/2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Đến năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án gặp nhiều vướng mắc, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo”.
>> Sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có đường băng thứ hai?