Cây cầu 124 tuổi, từng vinh dự mang tên một vị vua triều Nguyễn: Là một trong những cây cầu sắt đầu tiên tại Đông Dương
Đây là cây cầu đầu tiên nối liền hai bờ Bắc - Nam của thành phố Huế.
Theo tài liệu cổ, sau khi Vua Thành Thái ban chỉ dụ yêu cầu xây dựng một cây cầu sắt để tiện lợi cho việc thông hành, Viện Cơ mật triều đình đã hợp tác với tòa Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp để triển khai dự án này.
Công trình được khởi công vào tháng 5/1899 và hoàn thành vào tháng 10/1900, sau đó chính thức thông xe vào tháng 12 cùng năm, với tên gọi Cầu Thành Thái. Đây là cây cầu  đầu tiên nối liền hai bờ Bắc - Nam của TP. Huế, với phía Nam thuộc phường Phú Hợi và phía Bắc thuộc phường Phú Hòa.
Cầu Thành Thái là một trong những cây cầu sắt đầu tiên tại Đông Dương, được xây dựng bằng kỹ thuật tiên tiến vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cầu Trường Tiền, với thiết kế theo phong cách Gothic của Pháp có chiều dài 402,6m, chiều cao 5,45m và chiều rộng mặt cầu 6m.
Cầu gồm 6 nhịp, với kết cấu dầm thép chắc chắn, mỗi nhịp có khẩu độ 67m. Toàn bộ cầu nhìn giống như một chiếc lược lớn. Ban đầu, cầu không có lối đi cho người đi bộ và mặt cầu được lát bằng ván gỗ lim. Qua nhiều lần tu sửa, cầu đã trở thành một công trình hiện đại và vững chắc theo thời gian.
Nhà thầu đầu tiên thực hiện thi công cầu là Société Schneider et Cie et Letellier, trong khi công ty Eiffel để lại dấu ấn sâu đậm qua việc thực hiện cuộc đại trùng tu cho cây cầu vào thời vua Bảo Đại (1937-1939). Chính Eiffel đã mở rộng và định hình lại cây cầu như chúng ta thấy ngày nay. Năm 1953, Eiffel một lần nữa được mời tái thiết cây cầu sau khi nó bị đánh sập do bom đạn.
Trước khi được gọi là Cầu Trường Tiền, cây cầu này đã mang nhiều tên gọi khác nhau. Ban đầu, nó được đặt tên là Cầu Thành Thái, để vinh danh vị vua đã ban chỉ dụ xây dựng. Tuy nhiên, do mâu thuẫn với thực dân Pháp, vua Thành Thái bị buộc thoái vị và bị lưu đày sang châu Phi.
Năm 1919, Toàn quyền Đông Dương đổi tên cầu Thành Thái thành Cầu Clemenceau, theo tên của thủ tướng Pháp thời bấy giờ. Đến năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim thực hiện chính sách xóa bỏ tên Tây và đổi tên cầu Clemenceau thành Cầu Nguyễn Hoàng khi Nhật đảo chính Pháp.
Tuy nhiên, trong các văn bản của chính quyền cách mạng lâm thời và các tài liệu sau này, cầu được gọi là Cầu Trường Tiền.
Trường Tiền trong chữ Hán có nghĩa là xưởng đúc tiền, nơi chúa Trịnh đã lập xưởng đúc tiền sau khi chiếm được thành Phú Xuân năm 1775. Bến đò cạnh đó được gọi là Bến đò Trường Tiền, cây cầu sắt dựng lên tại đây cũng được người dân gọi là Cầu Trường Tiền, cái tên đã tồn tại qua hơn một thế kỷ và trở thành tên chính thức của cây cầu.
Khi hoàn thành, Cầu Trường Tiền dài 402m và là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho kinh thành Huế. Kể từ khi hoàn thành vào năm 1899, người dân xứ Huế đã ba lần chứng kiến cầu Trường Tiền sụp đổ xuống dòng sông Hương.
Đồng thời, cầu được xem là một công trình thép vững chắc, biểu tượng cho kỹ thuật xây dựng tiên tiến của phương Tây. Nhưng chỉ sau 5 năm, cơn bão năm 1904 đã làm cầu đổ sập. Năm 1906, cầu được tu sửa, với mặt cầu được đổ bê tông thay cho ván gỗ lim.
Ngày 19/12/1946, cầu bị giật sập theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến để ngăn bước tiến của quân Pháp. Năm 1953, cầu được tái thiết, nhưng vào mùa xuân 1968, trong chiến tranh, cầu Trường Tiền lại một lần nữa bị giật sập. Mãi đến năm 1991, Bộ Giao thông Vận tải mới ra quyết định phục hồi nguyên vẹn cây cầu, đưa nó trở lại với hình dáng ban đầu.