Bán khóa học 'trăm triệu' dạy đầu tư, viết sách 5 bước thành đa triệu phú, nhưng công ty của ông Nguyễn Thành Tiến lại 'rơi' vào thua lỗ
Ông Nguyễn Thành Tiến nhận mình là "chuyên gia bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam".
Công ty của ông Nguyễn Thành Tiến - một diễn giả được nhiều người biết đến đang đối mặt với tình trạng thua lỗ nghiêm trọng. Mặc dù ông Tiến nổi tiếng với các khóa học dạy làm giàu và đầu tư bất động sản, nhưng công ty của ông lại đang gặp khó khăn lớn trong lĩnh vực này.
Chuyên gia dạy cách làm giàu, xuất bản sách hướng dẫn trở thành triệu phú, nuôi ốc trên đảo tư nhân ngoài biển
Theo những chia sẻ của ông Tiến (sinh năm 1986) trên website Trường Đào Tạo Đầu Tư Thực Tế NIK, ông Tiến cho biết bản thân cũng đã có quá trình khởi nghiệp nhiều trắc trở khi làm qua rất nhiều nghề từ cán bộ giám sát công trường cho một công ty nhà nước, với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, mở một quầy bán bánh mỳ Thịt Nướng Doner Kebap, làm thuê cho công ty bất động sản,... nhưng cơ duyên thành công tới là nhờ một người đàn anh đi trước dạy về "về mua sửa bán nhà và đầu tư đất ven đô" và dần đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Trên trang cá nhân cũng như những trang web nikedu.vn, nguyenthanhtien.net, trituedautu.com, ông Nguyễn Thành Tiến nhận mình là "chuyên gia bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam".
Nguồn: nikedu.vn |
Từ đó, ông Tiến 'rao bán' các khoá học phần lớn liên quan đến việc đầu tư bất động sản như: Chiến lược đầu tư bất động sản, khóa học Siêu sao môi giới bất động sản, Combo bất động sản và doanh nghiệp,...với giá khá đắt đỏ, từ 10 triệu lên tới hàng trăm triệu đồng. Phải kể đến như khoá học Chiến lược Đầu tư Bất động sản có giá 155 triệu đồng, khoá Combo chủ doanh nghiệp giá 220 triệu đồng hay Combo bất động sản và doanh nghiệp có học phí 350 triệu đồng.
Được biết tổ chức giáo dục NIK được ông Tiến thành lập từ năm 2012 đã đào tạo hơn 150.000 học viên về đầu tư và doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Tiến còn là tác giả cuốn sách "5 bước để trở thành đa triệu phú".
Thông tin 1 khoá học trên nikedu.vn |
>> 'Độc lạ' TP. Hồ Chí Minh: Một nữ doanh nhân thành lập 116 công ty 
Hiện tại ngoài sở hữu một công ty đã IPO trên sàn chứng khoán, ông Tiến còn là chủ của một hòn đảo tư nhân rộng 6,5ha có bãi đá và bãi cát rất đẹp có thể khai thác du lịch, đã có sổ đỏ. Ông Tiến cho biết đang khai thác nuôi ốc mỗi năm thu được dòng tiền nhưng vì muốn đảm bảo riêng tư nên chưa tiết lộ vị trí.
Dạy làm giàu từ bất động sản nhưng công ty niêm yết của ông Nguyễn Thành Tiến đang ''chơi vơi'' vì bất động sản
Công ty IPO trên sàn chứng khoán mà ông Nguyễn Thành Tiến thường nhắc đến là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (mã chứng khoán: VLA ). Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2007 và niêm yết trên sàn HNX từ năm 2011. Tuy nhiên, từ khi ông Tiến làm Chủ tịch, công ty đã chuyển hướng kinh doanh và gặp nhiều khó khăn.
Ngày 20/5/2024, ông Nguyễn Thành Tiến đã mua 95.200 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên tỷ lệ 11,47%. Với giá cổ phiếu vào chiều 25/6/2024 là 14.500 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị cổ phiếu ông Tiến nắm giữ là khoảng 6,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2023, VLA ghi nhận doanh thu 10,98 tỷ đồng, giảm 21,49 tỷ đồng so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 132 triệu đồng, bằng 3% kế hoạch lợi nhuận đề ra. So với năm 2022, doanh thu giảm 66% và lợi nhuận sau thuế giảm 96%. VLA cho rằng sự sụt giảm này do lượng học viên tham gia các khóa học giảm đáng kể.
Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Công nghệ Văn Lang cũng chưa khởi sắc. Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1,55 tỷ đồng, doanh thu đạt 988 triệu đồng, lần lượt giảm 2,2 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng mảng đào tạo Văn Lang thu về là 950 triệu đồng, chiếm 96,2% tổng doanh thu của công ty này. Giá vốn quý I/2024 là 910 triệu đồng, giảm 197 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Văn Lang, lượng học viên tiếp tục giảm sút làm doanh thu giảm mạnh kéo theo giảm giá vốn.
Ông Nguyễn Thành Tiến |
Ngày 26/2/2024, HĐQT VLA đã thông qua việc sử dụng gần 20 tỷ đồng thu được từ phát hành cổ phiếu để dành 12 tỷ đồng cho quảng cáo và marketing. Số tiền còn lại dùng để trả lương, chi phí tổ chức lớp học, in ấn, tiếp khách, và nộp thuế.
Từ năm 2020, khi ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch HĐQT, VLA đã cắt bớt các mảng kinh doanh truyền thống và mở thêm hoạt động đào tạo kỹ năng và đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, công ty lại không thành công trong đầu tư bất động sản. Ví dụ, năm 2022, VLA mua một khách sạn tại Quảng Ninh trị giá 18 tỷ đồng nhưng gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu và khai thác kinh doanh, dẫn đến việc phải thanh lý hợp đồng mua bán.
Năm 2024, chiến lược của VLA sẽ tiếp tục mở rộng các khóa đào tạo và đầu tư vào bất động sản, thị trường chứng khoán, và các dịch vụ khác. Công ty cũng tập trung vào dịch vụ tư vấn đầu tư bất động sản có thu phí, tư vấn tài chính kinh doanh, và môi giới bất động sản.
Dù được quảng cáo là diễn giả dạy làm giàu và đầu tư bất động sản, nhưng công ty của ông Nguyễn Thành Tiến lại đang chìm trong thua lỗ. Đây là một hoạ sống động về việc không phải ai nói hay thì làm cũng giỏi.