Tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng Singapore, một doanh nghiệp Việt hưởng lợi lớn nhờ sở hữu 'siêu cảng biển'
Giá cước vận tải biển trong tháng 6/2024 đã tăng 30% so với hồi tháng 5 và tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.
Kể từ nửa cuối tháng 5, số lượng container chờ đợi để cập cảng Singapore đã lên tới đỉnh điểm với 480.000 container. Thời gian chờ đợi để dỡ hàng tại cảng Singapore hiện kéo dài đến 7 ngày, so với thời gian nửa ngày thông thường. Tình trạng này đã đẩy giá cước vận tải lên cao và gây ra nhiều bất cập trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự chuyển hướng ở Biển Đỏ, khiến các tàu phải định tuyến lại vòng quanh châu Phi, tránh khỏi kênh đào Suez để vận chuyển giữa châu Âu và châu Á. Điều này làm tăng chi phí vận chuyển và tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường. Theo ông Tan Hua Joo, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica, tình hình này cực kỳ nghiêm trọng và có thể báo hiệu một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sắp xảy ra.
>> Hàng hóa thế giới 'mắc kẹt' ở siêu cảng Singapore, giá cước vận tải tăng trở lại 
Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường nhân lực và năng lực xử lý container. Tuy nhiên, việc thiếu các lựa chọn thay thế trong khu vực khiến tình trạng tắc nghẽn càng trở nên tồi tệ hơn. Các cảng gần đó như Port Klang và Tanjung Pelepas ở Malaysia không thể thay thế dễ dàng vì không được kết nối tốt như Singapore. Điều này làm cho hàng hóa xuất khẩu không thể đến điểm đích đúng giờ nếu không rời khỏi Singapore.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Gemadept (GMD ), ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc CTCP Cảng Nam Đình Vũ (Gemadept sở hữu 60% vốn điều lệ), chia sẻ rằng tình trạng tắc nghẽn tại cảng Singapore đã tạo cơ hội cho cảng Gemalink.
Cảng Gemalink |
>> Gemadept (GMD) nói gì khi cổ đông đề xuất thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%? 
Trong quý I và quý II/2024, một số hãng tàu đã đưa chuyến tàu về cảng nước sâu Gemalink để giảm tải cho cảng Singapore, ghi nhận có thêm hơn 10 hãng tàu mới. Nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài, nhiều hãng tàu sẽ phải chuyển hướng sang khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi cảng Gemalink có khả năng tiếp nhận các tàu cỡ lớn.
Thông tin từ ban lãnh đạo Tập đoàn Gemadept, giá cước vận tải trong tháng 6/2024 đã tăng 30% so với hồi tháng 5 và tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hà cho biết, nếu tình trạng tắc nghẽn tiếp tục kéo dài, giá cước có thể tiếp tục tăng đến cuối năm 2024. Nguyên nhân tăng giá cước vận tải đến từ nhiều yếu tố như xung đột ở Trung Đông, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và các nhà nhập khẩu đẩy mạnh nhập hàng trước khi châu Âu có khả năng đánh thuế lên xe điện Trung Quốc.
Cảng Quốc tế Gemalink, liên doanh giữa tập đoàn Gemadept Việt Nam và CMA Terminals của Pháp, đã nhanh chóng trở thành cảng nước sâu lớn nhất tại khu vực Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngay sau khi vận hành Giai đoạn 1.
Hiện Tập đoàn Gemadept đang dồn lực thực hiện Giai đoạn 2 của cảng Gemalink Gemalink với mức vốn đầu tư ước tính là 300 triệu USD. Sau khi hoàn thành, tổng công suất thiết kế của cảng này sẽ đạt 3 triệu TEU - mức cao nhất so với các cảng đối thủ lớn khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo giới thiệu trên website của Gemalink, cảng này được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, hệ thống cầu cảng có bến xếp dỡ hàng riêng cho sà lan, giúp tối ưu năng suất và tránh tình trạng ách tắc phổ biến mà không cảng biển nào hiện nay có được.
Gemalink được gọi là "siêu cảng" của Việt Nam khi được xếp hạng trong số 19 cảng hàng đầu thế giới đủ khả năng tiếp nhận cỡ tàu container lớn nhất hiện nay với trọng tải lên tới 200.000 DWT. Đồng thời, cảng này cũng được kỳ vọng trở thành một trong những Trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất tại Việt Nam & khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
>> Giá cước vận tải biển tăng 300%, cổ phiếu nhóm hàng hải ‘đạp gió, rẽ sóng’