Vĩ mô

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Nguyễn Hoàng 14/08/2023 - 14:49

UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật và chuẩn bị các nội dung cơ bản trình xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của của các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật - Ảnh: VGP/ĐH

Sáng 14/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); có 98 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại tổ, với 439 ý kiến góp ý và 23 lượt ĐBQH phát biểu tại hội trường. Trên cơ ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Dự thảo Luật đã tiếp thu 432 ý kiến (78,4%); giải trình 119 ý kiến (21,6%). Các ý kiến cơ bản được tiếp thu, có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy đã báo cáo các vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã rà soát, bổ sung các nội dung như tại Khoản 1 và sửa đổi Khoản 2 dự thảo Luật; giữ nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đồng thời, không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung Khoản 1 Điều 35 về căn cứ, nguyên tắc; các khoản 2,3,4 Điều 35 về giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước; Khoản 3,5 Điều 35 bổ sung quy định dự báo khí tượng, thuỷ văn, xu thế diễn biến lượng mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa để dự báo lượng nước theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước.

Về đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều quy định cụ thể về nguyên tắc cấp phép, đối tượng phải đăng ký, cấp phép khai thác sử dụng nước, điều kiện cấp phép tại các Điều từ 53 đến 56. Về quy mô để làm căn cứ cấp phép sẽ được Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tính đặc thù của nước luôn biến động theo thời gian và không gian.

Liên quan đến quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: Khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.

Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước;…

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên UBTVQH đánh giá cao công tác hoàn thiện dự thảo luật, đã tiếp thu giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của ĐBQH tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung tại dự thảo Luật.

Các thành viên UBTVQH cũng cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự án luật liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt; đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, việc sử dụng công nghệ để tuần hoàn, tái sử dụng nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước;…

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

Kết luận phiên họp về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của KH,CN&MT, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Các tài liệu và  báo cáo tại phiên họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; các ý kiến tham gia đã được rà soát để tiếp thu, giải trình cơ bản, đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan chủ trì và cơ quan soạn thảo.

Liên quan đến các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết về phạm vi điều chỉnh, do đối tượng "nước khoáng, nước nóng" đã được quy định theo pháp luật về khoáng sản và nhiều văn bản của Đảng và nhà nước, vì vậy, để đảm bảo tính ổn định trong triển khai thực hiện hệ thống chính sách pháp luật hiện nay, không quy định nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh Luật này. Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế có liên quan để đảm bảo tính thuyết phục cao.

Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định về điều hòa, phân phối, khai thác sử dụng tài nguyên nước; về đăng ký cấp phép sử dụng tài nguyên nước, tái sử dụng nước, trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, tổ chức lưu vực sông, sử dụng nước ngầm,… Đối với những góp ý liên quan đến các điều, khoản cụ thể tại dự thảo Luật, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ để quy định, đảm bảo đồng bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ UBTVQH giao Thường trực KH,CN&MT chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật, xin ý kiến các đoàn ĐBQH và các cơ quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật và chuẩn bị các nội dung cơ bản, cốt lõi trình xin ý kiến tại Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

Xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt

Luật Tài nguyên nước ưu tiên hồi sinh các ‘dòng sông chết’

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/bao-dam-tinh-thong-nhat-dong-bo-cua-du-an-luat-tai-nguyen-nuoc-sua-doi-102230814132658294.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
    POWERED BY ONECMS & INTECH