Xã hội

Bao giờ TPHCM có đủ thuốc phóng xạ cho bệnh nhân ung thư?

Khánh Hoà - Bạch Dương 11/09/2024 - 07:23

Tại TPHCM, duy nhất Bệnh viện Chợ Rẫy được trang bị hệ thống lò cyclotron, cung cấp thuốc phóng xạ cho các cơ sở có máy PET/CT như Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Quân y 175.

LỜI TÒA SOẠN:
PET/CT được đánh giá là phương tiện ghi hình chẩn đoán không xâm nhập, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phương tiện hình ảnh khác trong phân loại giai đoạn ung thư cũng như việc đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát.
Hiện nay, tại TPHCM chỉ duy nhất có Bệnh viện Chợ Rẫy được trang bị hệ thống lò cyclotron cung cấp thuốc phóng xạ F-18 FDG cho các cơ sở có máy PET/CT bên ngoài như Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Quân y 175. Hệ thống này đã cũ, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế nên người bệnh phải chờ đợi kéo dài, vô cùng chật vật. Có người phải tìm cách đi các tỉnh, thành khác, thậm chí đi nước ngoài để được chụp PET/CT.
VietNamNet giới thiệu tuyến bài "TPHCM thiếu thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư, bệnh viện cầm chừng, người bệnh lao đao".

Số lượng thuốc được sản xuất mỗi ngày rất hạn chế

Cả khu vực phía Nam hiện nay có 3 cơ sở được Bộ Y tế cấp phép thực hiện kỹ thuật chụp PET/CT là các bệnh viện Chợ Rẫy, Ung bướu TPHCM và Quân y 175.

Tại Bệnh viện Quân y 175, suốt những năm qua, nguồn phóng xạ để thực hiện kỹ thuật này đều do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển nhượng. Tuy nhiên, số lượng chụp còn khiêm tốn, chỉ khoảng 7-8 trường hợp/ngày.

Tương tự, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi ngày cũng chỉ đủ thuốc cho khoảng 7-9 trường hợp. Bệnh nhân phải xếp hàng chờ trung bình 10 ngày mới đến lượt.

Tùy vào từng thời điểm, bệnh nhân có thể được chụp PET/CT luôn hoặc phải chờ đợi nguồn cung cấp thuốc phóng xạ. Bởi ngay ở Chợ Rẫy - 1 trong 2 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép sản xuất nguồn thuốc phóng xạ này tại TPHCM, hệ thống chụp PET/CT cũng đang phải hoạt động cầm chừng vì phải san sẻ thuốc phóng xạ cho 2 bệnh viện Ung bướu và Quân Y 175.

Đơn vị sản xuất nguồn thuốc phóng xạ còn lại được cấp phép là Công ty CP Y học Rạng Đông. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ được đánh giá "hiện đại nhất Đông Nam Á" này vẫn chưa thể sản xuất được do nhiều vướng mắc về pháp lý.

thuốc phóng xạ 2.jpg
Hệ thống Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ của Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có thể cung cấp nhỏ giọt cho các bệnh viện. Ảnh: L.G.

TS.BS. Nguyễn Xuân Cảnh - Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy - thông tin lò cyclotron của bệnh viện mỗi ngày trung bình sản xuất được 28-30 liều phóng xạ F-18 FDG. Trong đó, khoảng 15 liều được chia sẻ cho Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Quân y 175 để chụp PET/CT.

Lò cyclotron của bệnh viện cũng đã lâu năm nên chỉ có thể sản xuất được số lượng thuốc phóng xạ như vậy. Nếu cố làm nhiều hơn, máy sẽ nhanh hỏng” - bác sĩ Cảnh nói.

Trong trường hợp máy hư hỏng phải chờ sửa chữa, bảo trì và cần có thời gian để mua linh kiện thay thế từ nước ngoài, bệnh nhân buộc phải đợi vì không có thuốc.

Giải thích cụ thể hơn về thuốc phóng xạ này, bác sĩ Cảnh cho biết kỹ thuật chụp PET/CT sử dụng phóng xạ F-18 FDG rất hiệu quả đối với các loại bệnh ung thư có chuyển hóa đường glucose.

Đây là kỹ thuật có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ chuyển hóa tế bào, có độ nhạy, chính xác cao. Kỹ thuật này có khả năng phát hiện tổn thương còn trong giai đoạn sớm và theo dõi hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, trong chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn còn nhiều phương pháp thay thế sẵn có và hiệu quả như chụp CT-Scan, MRI, siêu âm, nội soi… Tùy theo loại ung thư, giai đoạn ung thư và mục đích khảo sát mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chẩn đoán phù hợp.

TPHCM cần có 3 lò cyclotron

Ông Nguyễn Hải Nam - Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết thuốc phóng xạ 18F-FDG có tuổi thọ ngắn (dưới 12 giờ), nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất.

Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TPHCM để sử dụng là không khả thi. Do đó, các bệnh viện tại TPHCM chỉ có thể tự sản xuất thuốc hoặc mua, nhượng trên địa bàn.

thuốc phóng xạ (6).jpg
Bảng cảnh báo khu vực phóng xạ trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bạch Dương

Một số bệnh viện muốn sắm thiết bị chụp PET/CT cũng chưa mạnh dạn vì sợ không đủ nguồn cung cấp thuốc phóng xạ. Nếu TPHCM có khoảng 3 lò sản xuất thuốc phóng xạ thì cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu. Bệnh viện của các địa phương lân cận cũng có thể mua máy chụp, nhận chuyển nhượng thuốc từ TPHCM để bệnh nhân được điều trị tại chỗ, không phải dồn lên tuyến trên gây quá tải” - bác sĩ Cảnh nói.

Còn theo ông Nam, trước mắt, các bệnh viện vẫn tiếp tục nhận nguồn cung từ Chợ Rẫy để duy trì hoạt động chẩn đoán bằng chụp PET/CT. Song song đó, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp cận lâm sàng khác để thay thế như MRI, CT-Scan...

Sở Y tế TPHCM cũng đã kiến nghị ngành chức năng tháo gỡ thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của chi nhánh Công ty cổ phần Y học Rạng Đông tại TP Thủ Đức đi vào hoạt động.

Ngành y tế đang xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bệnh viện Ung bướu TPHCM chủ trì dự án “Đầu tư xây dựng lò cyclotron sản xuất nguồn đồng vị phóng xạ dùng trong y tế” và dự án “Đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị proton đặt tại Bệnh viện Ung bướu”, nhằm chủ động nguồn cung ứng thuốc phóng xạ phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người dân.

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng khi đầu tư hệ thống máy PET/CT đắt đỏ, các bệnh viện cần tính đến cả “lò” sản xuất thuốc phóng xạ để hạn chế tối đa tình trạng rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng như hiện nay.

Căn bệnh khiến người Việt Nam tử vong nhiều gần gấp đôi ung thư, là nguyên nhân chính của 1/4 số ca tử vong, tỉ lệ ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Mỹ chỉ đích danh một loại rau có ở Việt Nam là 'thuốc chống ung thư tự nhiên', hạ đường huyết hiệu quả

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bao-gio-tphcm-co-du-thuoc-phong-xa-cho-benh-nhan-ung-thu-2313871.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bao giờ TPHCM có đủ thuốc phóng xạ cho bệnh nhân ung thư?
    POWERED BY ONECMS & INTECH