Bảo tàng hơn 2.300 tỷ đồng có ‘kiến trúc đẹp nhất thế giới’ của Việt Nam: Diện tích gần 54.000m2, trưng bày hơn 70.000 tài liệu và bảo vật quan trọng
Hiện nay, bảo tàng này đang trưng bày một số bảo vật quốc gia như chuông Thanh Mai niên đại năm 798, bộ lưỡi cày đồng Cổ Loa thuộc văn hóa Đông Sơn...
Bảo tàng Hà Nội chính thức khởi công vào tháng 5/2008 và khánh thành từ năm 2010 (giai đoạn 1). Nằm bên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), công trình này có tổng diện tích gần 54.000m2.
Đến nay, sau hơn 10 năm hoạt động, Bảo tàng Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với người dân và du khách, nơi họ có thể tham quan và tìm hiểu về văn hóa cũng như lịch sử của Thủ đô.
Tòa nhà của Bảo tàng Hà Nội gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm, với chiều cao 30,7m và diện tích xây dựng gần 1,2ha, trong đó diện tích sàn xây dựng hơn 30.000m2. Đây là một công trình hiện đại, được xây dựng với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng.
Thiết kế của Bảo tàng Hà Nội đặc biệt nổi bật với hình kim tự tháp ngược độc đáo và đẹp mắt, được Tạp chí Business đánh giá là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới .
Bên trong, lối đi được thiết kế với kiến trúc thang dốc dạng xoắn ốc và hệ thống đèn chiếu sáng tinh tế, được người tham quan ví von như "con đường ánh sáng" khi đặt chân đến tham quan.
Theo TTXVN, Bảo tàng Hà Nội tái hiện một Hà Nội xưa và nay thông qua hơn 70.000 tài liệu và hiện vật liên quan đến Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tháng 2/2019, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh và bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Nội dung trưng bày được tổ chức theo các chủ đề về các giai đoạn lịch sử như Hành trình đến Thăng Long, Thăng Long thời Đại Việt (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII), Hà Nội thế kỷ XIX, thế kỷ XX, Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ và Hà Nội trên đường đổi mới…
Ngoài ra, khuôn viên sân vườn của Bảo tàng Hà Nội được thiết kế với các vị trí ô đá và bãi cỏ, trưng bày và tái tạo phố cổ, cổng làng… Bảo tàng còn bổ sung thêm khu trưng bày đầu tàu hơi nước, khu vực phục vụ cà phê và ẩm thực, mang lại trải nghiệm đa dạng cho du khách.
Bảo tàng Hà Nội trưng bày một số bảo vật quốc gia  quan trọng như chuông Thanh Mai niên đại năm 798, bộ lưỡi cày đồng Cổ Loa thuộc văn hóa Đông Sơn…
Để kết nối và thu hút khách tham quan, ngoài việc tổ chức các chuyên đề trưng bày truyền thống, Bảo tàng Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện và các hoạt động trải nghiệm trực tiếp, giúp du khách như sống trong không gian văn hóa và truyền thống xưa.
Mỗi bảo vật trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội đều thể hiện trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao, là giá trị cốt lõi của con người Thăng Long - Hà Nội, nơi hội tụ tinh hoa của nền văn hóa Kinh kỳ. Đây là nguồn sử liệu quan trọng về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội cần được gìn giữ và phát huy giá trị.
Chiều nay (10/12), HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thu phí tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa và bảo tàng trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý, Bảo tàng Hà Nội là một trong những địa điểm chính được áp dụng chính sách thu phí này.
Đối tượng miễn thu phí gồm người khuyết tật nặng và trẻ em dưới 16 tuổi. Đối tượng giảm 50% phí gồm người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa.
Mức thu phí tại Bảo tàng Hà Nội được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 1/1/2025 đến khi dự án trưng bày hoàn thành, mức thu phí 30.000 đồng/lượt/khách; giai đoạn 2, sau khi dự án trưng bày hoàn thành, mức thu phí 50.000 đồng/lượt/khách.
Bảo tàng Quân sự quá tải, khách đứng kín mít gian trưng bày 
Bảo tàng không phải công viên, trèo lên hiện vật có giá trị là rất phản cảm