Bão Trà Mi sẽ gây mưa dữ dội ở miền Trung
Dù đổ bộ đất liền hay ngược ra biển, bão Trà Mi vẫn sẽ gây mưa lớn dữ dội cho các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên, trọng tâm là Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Mưa bắt đầu từ chiều tối và đêm nay (26/10), có thể kéo dài đến 28/10.
Bão Trà Mi  hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão vào ngày 22/10, đi vào Biển Đông chiều 24/10. Ngay khi vào Biển Đông, các chuyên gia nhận định đây là cơn bão có quỹ đạo dị thường và phức tạp nhất từ đầu mùa do chịu sự tương tác đồng thời của không khí lạnh từ phương Bắc và hoạt động của cơn bão ngoài khơi Philipppines.
Ngư dân tranh thủ thu gom ngư lưới cụ. Ảnh: NN |
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, tính đến chiều 25/10, hai kịch bản có thể xảy ra với bão Trà Mi. Ở kịch bản thứ nhất, sau khi tương tác với không khí lạnh, bão di chuyển chậm lại theo hướng tây tây nam và bắt đầu suy yếu.
Từ chiều 27/10 đến sáng 28/10 là khoảng thời gian bão áp sát và hoành hành ngay vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam. Sau đó, ngày 28/10, bão đổi hướng đông đông nam rồi hướng đông và ngược ra biển.
Khi ra biển, tàn dư bão hình thành một dải hội tụ nhiệt đới ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, gây mưa lớn kéo dài cho các tỉnh miền Trung. Xác suất của kịch bản này khoảng 60%.
Ở kịch bản thứ hai, sau khi tương tác với không khí lạnh từ phương Bắc, bão suy yếu và di chuyển vào đất liền và tan dần. Kịch bản này có xác suất khoảng 30%. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia khuyến cáo, diễn biến bão Trà Mi rất phức tạp và có thể có thay đổi, cần lưu ý cập nhật các bản tin dự báo bão mới nhất.
Trọng tâm mưa là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 700mm, nguy cơ xuất hiện mưa cục bộ cường suất lớn hơn 100mm trong 3h, có thể gây ngập úng tại vùng trũng thấp, khu đô thị ven sông, ven biển.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, dù diễn biến bão theo kịch bản nào thì các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ hứng chịu một đợt mưa lớn kéo dài. Mưa bắt đầu từ chiều tối và đêm 26/10, kéo dài đến khoảng 28/10.
Trọng tâm mưa là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 700mm, nguy cơ xuất hiện mưa cục bộ cường suất lớn hơn 100mm trong 3h, có thể gây ngập úng tại vùng trũng thấp, khu đô thị ven sông, ven biển.
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ đêm 26/10 đến 28/10 cũng có mưa to, cục bộ xảy ra mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Cơ quan khí tượng khuyến cáo, mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian thực được Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Ngư dân hối hả về bờ
Nhận được cảnh báo của cơ quan chức năng về diễn biến phức tạp của cơn bão số 6 (Trà Mi), nhiều chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương đưa phương tiện vào bờ neo đậu tránh trú. Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Ngãi cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn tài sản cho ngư dân.
BĐBP Quảng Ngãi kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn Ảnh: NN |
Sáng 25/10, theo ghi nhận của PV tại cảng cá Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ), Tịnh Hòa (xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi) và Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hàng trăm tàu cá của ngư dân đã về đến bờ. Các tàu cá này đa phần hoạt động đánh bắt vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngư dân Nguyễn Văn Leo (trú thôn Định Tân, xã Bình Châu - thuyền trưởng tàu cá QNg 90055 TS) cho biết: “Tàu hành nghề lưới chuồn, khai thác ở ngư trường Trường Sa, thường đánh bắt cá khoảng 30 ngày mới về, nay chỉ mới được 15 ngày thì nghe báo bão nên cho tàu quay về luôn. Sản lượng thu được cũng chỉ khoảng 3 tấn, với giá 35.000 đồng/kg vẫn chưa đủ tổn phí”.
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 4.500 tàu cá/36.870 ngư dân. Tính đến 10h ngày 25/10, có 4.199 tàu/33.265 ngư dân đã vào bờ neo đậu. Số phương tiện đang còn hoạt động trên biển là gần 282 tàu/3.605 ngư dân.
Tại huyện đảo Lý Sơn, chính quyền huyện đảo phối hợp với Đồn Biên phòng Lý Sơn (BĐBP Quảng Ngãi) triển khai lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào vùng neo đậu tránh trú.
Còn tại vũng neo đậu tàu thuyền An Hải, nơi có 558 tàu cá, tàu vận tải và 55 lồng bè nuôi trồng thủy sản, đến chiều ngày 25/10, người dân đã hoàn tất đưa lồng bè đến nơi an toàn. Lực lượng BĐBP sử dụng loa đài tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân neo đậu, phòng tránh va đập, đồng thời khuyến cáo nhân dân chủ động rời phương tiện, lồng bè lên bờ trước khi có gió lớn, mưa to.
Trung tá Ngô Doãn Tú - Đồn trưởng Đồn BP Lý Sơn cho biết: “Đồn biên phòng Lý Sơn sẽ trực chiến 100% quân số, sẵn sàng xe ô tô quân sự và xe máy tham gia giúp dân phòng, chống bão”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện chỉ được đi công tác ngoài tỉnh khi có công việc cần thiết, không thể vắng mặt theo yêu cầu của các Bộ, ngành T.Ư và phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Đà Nẵng còn 40 lao động trên biển
Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho hay, đến chiều 25/10, có 1.894 tàu đã vào các bến neo đậu tránh bão, chủ yếu tại âu thuyền cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà).
Tàu cá vào âu thuyền Thọ Quang tránh bão. Ảnh: Thanh Hiền |
Thành phố còn 4 phương tiện với 40 lao động hoạt động tại vịnh Bắc Bộ. Các đài thông tin của Bộ đội biên phòng vẫn duy trì liên lạc để các phương tiện nắm được hướng di chuyển, diễn biến của bão số 6, đồng thời thông báo kêu gọi các tàu về bờ để trú tránh, đảm bảo an toàn. Bộ đội biên phòng cho biết thêm đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành lệnh cấm biển.
Tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó bão, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương kích hoạt các đường dây cố định cũng như kiểm tra, kích hoạt các máy, bộ đàm; huy động tối đa bộ đàm sẵn sàng phục vụ việc điều hành ứng phó với thiên tai, không để thông tin bị gián đoạn.
Các địa phương thông báo các số điện thoại cố định và di động để người dân được biết, có thể liên hệ cứu trợ khẩn cấp.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp với các đơn vị triển khai các phương tiện, lực lượng ứng trực tại các điểm có nguy cơ bị ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét..., nhất là khu vực đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), Khe Cạn (quận Thanh Khê)... và điều phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp ứng trực tại khu vực Âu thuyền Thọ Quang.
>> Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch các quận huyện là tổng chỉ huy ứng phó bão Trà Mi 
Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch các quận huyện là tổng chỉ huy ứng phó bão Trà Mi 
Phòng chống bão Trà Mi: Cấm biển, sẵn sàng phương án sơ tán người dân