Bảo vật quốc gia hơn 900 tuổi tại tỉnh sở hữu ngôi chùa lớn nhất thế giới của Việt Nam, được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo thời Lý
Hiện tại, bảo vật đang được lưu giữ tại một Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh có niên đại hơn 900 năm tuổi hiện được đặt tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Long Đọi Sơn , xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Theo sử sách ghi chép, bia do chính vua Lý Nhân Tông chỉ đạo sáng tác và ngự đề. Công trình này được hoàn thành vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu, niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (năm 1121).
Chùa Long Đọi Sơn cách thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 8 km về phía Bắc. Tương truyền, ngôi chùa nằm trên thế đất Cửu Long, với toàn cảnh núi Đọi tựa một con rồng lớn nằm giữa vùng đất bằng phẳng của đồng chiêm trũng. Phần đầu núi nhô cao hướng về Thăng Long, từ đỉnh núi có thể nhìn thấy 9 con đường và dòng sông tỏa ra như 9 con rồng. Xung quanh núi là 9 chiếc giếng được ví như mắt rồng, hiện vẫn còn nằm trong các khu dân cư dưới chân núi.
Tấm bia có hình chữ nhật, cao 2,5m, rộng 1,75m và dày 0,3m. Trung tâm trán bia được khắc nổi tên bia trong một khung hình chữ nhật, với các chữ lớn theo lối "chữ phi bạch" do vua Lý Nhân Tông  ngự đề. Hai bên khung chữ tạo thành góc nhọn đối xứng, trang trí đồ án rồng chầu, gồm hai con rồng hướng vào tên bia.
Rồng trên bia mang hình dáng độc đáo: ba chân đạp mây, mỗi chân có khuỷu và ba móng sắc nhọn. Xung quanh là những dải mây hình lửa uốn lượn quanh chân rồng. Trên lưng rồng lớn là một con rồng nhỏ uốn lượn, nằm dàn trên bốn khúc lượn của rồng lớn, tạo nên hình ảnh đôi rồng mẫu tử. Thân rồng mềm mại, uốn lượn theo hình sin, với các khúc phình to nhưng thuôn dần về phía đuôi, trùng khít với phần diềm của trán bia.
Hai bên thành bia được trang trí tinh xảo với 9 ô quả trám vuông, mỗi cạnh dài 8cm, nối tiếp nhau tạo thành một băng hoa văn khép kín từ trên xuống dưới. Bệ bia hình bầu dục, cao 50cm, dài 2,4m và rộng 1,8m cũng là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Trên bệ, bốn con rồng uốn lượn giữa cảnh núi non và sông nước được chạm khắc tỉ mỉ. Phần tiếp giáp với nền được tạo hình hai lớp hoa văn sóng nước lớp trên mô phỏng sóng nước hình quả núi với ba ngọn cao thấp khác nhau, xen kẽ ba gợn sóng vòng cung, lớp dưới là những gợn sóng nước hình cung, cũng được chạm khắc thành ba lớp đều đặn.
Mặt trước của bia Sùng Thiện Diên Linh khắc tổng cộng 4.257 chữ Hán. Trán bia mang tên “Đại Việt quốc đương gia Đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi” do chính vua Lý Nhân Tông ngự đề theo lối chữ phi bạch, chia thành bảy hàng dọc, mỗi hàng hai chữ.
Lòng bia khắc bài ký, bài minh và dòng lạc khoản. Nội dung được soạn bởi Nguyễn Công Bật, người giữ chức Triều liệt Hình bộ Thượng thư, Binh bộ Viên ngoại lang, Đồng tri phiên công viện chủ sự, theo sắc chỉ của triều đình. Phần chữ được viết bởi Lý Bảo Cung, Hữu Thị lang, Thượng thư Công bộ, Viên ngoại lang, Đồng tri Thẩm hình viên sự, Thượng khinh sa Đô úy, Tử kim ngư, cũng theo sắc chỉ.
Minh văn trên bia phản ánh những đức tính cao đẹp của vua Lý Nhân Tông và tinh thần sùng Phật của Đại Việt thời Lý, đồng thời tái hiện các nghi lễ và lễ hội đặc sắc của thời kỳ này. Đây là văn bản gốc duy nhất còn lại từ thời Lý với những ghi chép quan trọng về Kinh đô Thăng Long , bao gồm các địa danh như Đoan Môn, Cấm Thành, và chùa Diên Hựu (chùa Một Cột).
Đặc biệt, minh văn còn miêu tả chi tiết về tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý mang lại giá trị to lớn cho việc nghiên cứu về kiến trúc tháp, Phật giáo thời Lý và văn hóa Đại Việt. Dù đã trải qua gần 900 năm, bia vẫn giữ được hình dạng khá nguyên vẹn, mặc cho dấu ấn thời gian đã nhuốm màu lên từng đường nét.
Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2599/QĐ-TTg, công nhận bia Sùng Thiện Diên Linh là Bảo vật quốc gia.
Ngoài bia, chùa Long Đọi Sơn còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật từ các giai đoạn sau. Nổi bật là tượng Quan Âm Thị Kính và tượng Di Lặc bằng đồng nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1864. Tượng Di Lặc gây ấn tượng bởi tư thế ngồi thoải mái, gương mặt tròn đầy, biểu đạt thành công sự no đủ, vui tươi.
Ảnh: Sưu tầm Internet
Chùa Tam Chúc, tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được biết đến là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại (theo Báo Thanh Niên). Nằm trong quần thể di tích danh lam thắng cảnh Tam Chúc với tổng diện tích hơn 5.100ha, chùa bao gồm cả đất liền và mặt nước, tạo nên một khung cảnh hùng vĩ và ấn tượng. Đây không chỉ là biểu tượng tâm linh quan trọng mà còn là niềm tự hào của vùng đất Hà Nam và Phật giáo Việt Nam.
>> 3 bảo vật quốc gia có tuổi đời gần 1.000 năm tại Hoàng thành Thăng Long