Bật báo động đỏ cấp cứu bệnh nhân bị tổn thương vùng kín phức tạp
Sau vụ tai nạn, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng "báo động đỏ", sốc chấn thương, hôn mê, máu chảy nhiều từ vùng mông - tầng sinh môn, xuất hiện vết thương phức tạp vùng kín.
Bệnh nhi 11 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Vụ tai nạn giao thông khiến bệnh nhân hôn mê, da xanh tái, huyết áp giảm thấp, máu chảy nhiều từ vùng mông - tầng sinh môn. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn xuất hiện vết thương phức tạp vùng mông, xương cùng cụt và bẹn.
Bác sĩ Bùi Đức Thọ, khoa Cấp cứu, đánh giá ca bệnh sốc chấn thương - sốc mất máu, tiên lượng số lượng máu mất rất nhiều, nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Ngay lập tức, các biện pháp hồi sức cấp cứu chuyên sâu được thực hiện, bao gồm đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền máu tối cấp cứu, dùng thuốc vận mạch duy trì huyết áp, băng ép cầm máu vết thương.
Cùng lúc đó, các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ toàn viện, mời lãnh đạo bệnh viện và các chuyên khoa hội chẩn trực tiếp tại giường bệnh, đưa ra nhận định mức độ tổn thương và lên kế hoạch điều trị.
Bệnh nhi nhanh chóng được chụp cắt lớp vi tính để đánh giá tổn thương toàn thân, với vùng bụng và khung chậu được tiêm thuốc cản quang trong quá trình chụp để đánh giá chính xác mức độ tổn thương mạch máu.
Sau cuộc hội chẩn, thầy thuốc xác định bệnh nhi gặp đa tổn thương tại hệ thống mạch máu vùng chậu, sọ não, cột sống, ống sống và tổn thương đặc biệt nghiêm trọng các cơ quan trong ổ bụng, vùng tầng sinh môn và mông...
Bệnh nhi được chuyển thẳng từ phòng chụp cắt lớp vi tính đến phòng can thiệp tim - mạch máu tại Trung tâm Tim mạch. Bác sĩ đã cầm máu các nhánh động mạch tổn thương rồi chuyển bệnh nhân đến khoa Gây mê hồi sức để thực hiện 2 ca phẫu thuật liên tiếp gồm chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật cột sống - thần kinh và phẫu thuật ổ bụng.
Bệnh nhân được khâu phục hồi ruột non, các cơ vùng mông - cùng cụt, trực tràng, làm hậu môn nhân tạo 2 nòng, phục hồi cơ thắt hậu môn và xử lý các vết thương phức tạp vùng tầng sinh môn.
Toàn bộ quá trình can thiệp và phẫu thuật diễn ra trong hơn 7 giờ, với hơn 2.500ml máu và 1.500ml chế phẩm máu được truyền để bù vào lượng máu đã mất.
May mắn, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch sau các ca phẫu thuật liên tiếp, tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) để theo dõi sức khoẻ và điều trị. Thông tin từ Hà Nội, bệnh nhi sau đó đã được rút ống nội khí quản, có thể tự thở và tỉnh trở lại.
Người đàn ông vào viện cấp cứu vì khát nước liên tục 
Người đàn ông đi cấp cứu sau 6 ngày gạch rơi vào chân