Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác trước thông tin giả, lừa đảo yêu cầu chuyển tiền.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, đơn vị liên tục nhận được những thông tin về tình trạng giả mạo văn bản, giả mạo con dấu chữ ký của Lãnh đạo Bộ Tài chính, giả mạo website để yêu cầu người dân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo thông qua website giả mạo.
Trong đó, trường hợp thường gặp nhất là giả mạo giấy xác nhận ủy quyền; giả mạo Bản cam kết thực hiện ủy quyền và tất toán tiền…
Văn bản giả mạo (Ảnh: Bộ Tài chính) |
Trước sự việc trên, Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác trước việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức của Bộ Tài chính và Bộ Tài chính để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân.
“Đề nghị người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch chuyển tiền đối với những người không quen biết trên không gian mạng. Đồng thời, khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần tố giác với cơ quan chức năng để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra”, Bộ Tài chính thông tin.
>> Liên tiếp xảy ra hiện tượng ngân hàng bị giả mạo logo, con dấu để lừa đảo 
Website giả mạo (Ảnh: Bộ Tài chính) |
Hiện nay, cơ quan đang phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các hành vi giả mạo văn bản, chữ ký, con dấu của Lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Tài chính.
Theo Báo điện tử Chính phủ, hồi tháng 5, Bộ Công an đã cảnh báo người dân cảnh giác trước nhiều trang thông tin mạo danh cơ quan để quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo, nhằm tiếp tục lừa nạn nhân.
Nhiều trang Facebook giả mạo Bộ Công an để thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi |
Được biết, các trang thông tin mạo danh này đã đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ như: "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Bộ Công an khẳng định đây là một trong những hành vi giả mạo, nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.