Xã hội

Bất ngờ với nguồn gốc ‘Mặt Trăng thứ 2’ của Trái Đất: Có thành phần kỳ lạ, không giống bất kỳ loại tiểu hành tinh nào từng được khoa học ghi nhận

Anh Khoa 01/02/2025 11:05

Trong hệ Mặt Trời, hầu hết các hành tinh đều có nhiều Mặt Trăng, tức là những vệ tinh tự nhiên quay quanh chúng với quỹ đạo ổn định.

Trong tháng 1 này, Trái Đất sẽ chứng kiến một hiện tượng đặc biệt khi vật thể 2024 PT5, hay còn gọi là "Mặt Trăng thứ 2 của Trái Đất" tiến lại gần chúng ta. Đây là một trong những vật thể kỳ lạ và gây nhiều bối rối cho các nhà khoa học.

Trong hệ Mặt Trời, hầu hết các hành tinh đều có nhiều Mặt Trăng, tức là những vệ tinh tự nhiên quay quanh chúng với quỹ đạo ổn định. Chẳng hạn, sao Hỏa sở hữu hai mặt trăng là Phobos và Deimos; sao Mộc có tới gần 80 mặt trăng, bao gồm cả các vệ tinh nổi tiếng như Europa và Io. Tuy nhiên, Trái Đất chỉ có một Mặt Trăng duy nhất, đó chính là Mặt Trăng mà chúng ta đều biết.

Mới đây, một vật thể nhỏ có tên 2024 PT5 bất ngờ xuất hiện trong tầm ngắm của kính thiên văn tại Nam Phi. Dù chỉ có đường kính khoảng 10m, 2024 PT5 lại có hành vi đặc biệt khi bị "mắc kẹt" vào quỹ đạo của Trái Đất và quay quanh hành tinh chúng ta giống như một Mặt Trăng tạm thời.

Một nhóm các nhà khoa học vừa sử dụng Kính viễn vọng Lowell Discovery ở Flagstaff, Arizona (Mỹ) để chụp quang phổ phản xạ của vật thể 2024 PT5, nhằm tìm hiểu xem nó thực sự là gì và đến từ đâu.

Bất ngờ với nguồn gốc ‘Mặt Trăng thứ 2’ của Trái Đất: Có thành phần kỳ lạ, không giống bất kỳ loại tiểu hành tinh nào từng được khoa học ghi nhận - ảnh 1
Hình minh họa 2024 AT5 quanh Trái Đất với khoảng cách từ Mặt Trăng. Ảnh: Robert Lea

Thông thường, các vật thể gần Trái Đất, như 2024 PT5 đều có nguồn gốc từ vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Tuy nhiên, kết quả quang phổ phản xạ của 2024 PT5 cho thấy vật thể này không thuộc về nhóm tiểu hành tinh này.

Điều khiến các nhà khoa học càng bối rối hơn là 2024 PT5 không giống bất kỳ loại tiểu hành tinh nào đã được ghi nhận trước đây. Các quan sát sau đó về vật thể này cho thấy nó quay quanh trục của mình và có thành phần đá, chủ yếu là silicat. Điều này giúp loại trừ khả năng vật thể này có nguồn gốc nhân tạo. Đặc biệt, 2024 PT5 có vẻ chứa nhiều pyroxene – một khoáng chất phổ biến trong đá núi lửa, cho thấy nó có thể đến từ một môi trường biến chất hoặc đá lửa.

Cuối cùng, các dữ liệu khoa học cũng chỉ ra một giả thuyết thú vị: 2024 PT5 có thể chỉ là một mảnh vỡ từ Mặt Trăng của chúng ta, được giải phóng sau một cú va chạm thiên thạch mạnh mẽ trong quá khứ. Nếu đúng như vậy, "Mặt Trăng thứ 2" này có thể là một phần không hoàn hảo của vệ tinh chính thức của Trái Đất.

Bất ngờ với nguồn gốc ‘Mặt Trăng thứ 2’ của Trái Đất: Có thành phần kỳ lạ, không giống bất kỳ loại tiểu hành tinh nào từng được khoa học ghi nhận - ảnh 2
Các vòng tròn đồng tâm trên nền đen cho thấy vị trí của Trái Đất, Mặt Trời và 2024 PT5. Ảnh: Space

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi hai nhà thiên văn học Theodore Kareta từ Đài quan sát Lowell và Oscar Fuentes-Munoz từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA đã đưa ra một giả thuyết thú vị. Họ cho rằng nếu kịch bản 2024 PT5 thực sự là một mảnh vỡ từ Mặt Trăng, thì rất có thể có nhiều "Mặt Trăng" thứ 3, 4, 5,… khác đang chờ được phát hiện.

Hiện tại, trong danh sách các vật thể gần Trái Đất (NEO), chỉ có 16 vật thể được cho là có nguồn gốc từ vệ tinh tự nhiên của chúng ta. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhóm nghiên cứu, số lượng các "NEO Mặt Trăng" có thể nhiều gấp 10 đến 15 lần con số này.

Những tiểu hành tinh này thường khá nhỏ, vì vậy để phát hiện ra chúng, cần phải có thế hệ kính thiên văn mới mạnh mẽ hơn và các phương pháp quan sát tiên tiến. Việc tìm kiếm và nghiên cứu những vật thể con này của Mặt Trăng không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử hình thành của Trái Đất và vệ tinh của nó, mà còn đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược phòng thủ địa cầu, giúp chúng ta chuẩn bị đối phó với các nguy cơ va chạm thiên thạch tàn khốc trong tương lai, giống với vụ va chạm Chicxulub đã khiến loài khủng long tuyệt chủng.

>> Mặt Trăng có khả năng trở thành trung tâm công nghiệp vũ trụ đầu tiên của nhân loại, một công ty đang xây dựng ‘trạm xăng’ đầu tiên trên thiên thể này

Láng giềng Việt Nam biến hang động 3.000m, rộng 130m thành nơi nghiên cứu Mặt Trăng

NASA tiếp tục hoãn sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/bat-ngo-voi-nguon-goc-mat-trang-thu-2-cua-trai-dat-co-thanh-phan-ky-la-khong-giong-bat-ky-loai-tieu-hanh-tinh-nao-tung-duoc-khoa-hoc-ghi-nhan-135092.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bất ngờ với nguồn gốc ‘Mặt Trăng thứ 2’ của Trái Đất: Có thành phần kỳ lạ, không giống bất kỳ loại tiểu hành tinh nào từng được khoa học ghi nhận
    POWERED BY ONECMS & INTECH