Cho đến nay, ngôi làng này có hơn 900 ngôi nhà truyền thống, nhiều ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Ngôi làng toàn những căn nhà cổ
Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội 44km, thuộc thị xã Sơn Tây, nơi đây tự hào là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc. Từ những bức tường gỗ quý,đến lối đi lát gạch nghiêng, những bức tường đá ong màu vàng nổi bật, làng Đường Lâm mang đến một không gian đặc trưng, thu hút bất cứ ai đặt chân đến. Đường Lâm cũng là làng cổ  đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng Di tích  lịch sử văn hóa quốc gia.
Cổng làng Đường Lâm uy nghiêm được xây bằng đá ong, hai cánh làm từ gỗ lim theo hình cánh dế. Bên trái là cây đa cổ thụ tỏa bóng mát, bên phải là một hồ nước trong xanh. Trước kia, đây là nơi nghỉ chân của những người nông dân sau giờ làm đồng. Bước chân qua cổng là một không gian làng quê đậm chất dân dã, dung dị.
Cổng làng cổ Đường Lâm |
Tất cả trục đường bao quanh làng cổ đều tô vẽ lên một bức tranh đồng quê nông thôn đẹp và mộc mạc đến lạ thường. Chẳng cần phải được khắc tạo thành kiến trúc, bức tranh đẹp tự nhiên nhưng vẫn độc đáo dựng lên 2 bên đường. Dường như, ngoài thời gian trôi thì không sự đô thị hóa nào có thể chạm tay được vào những mái ngói, những bức tường nâu nơi đây.
Vẻ đẹp truyền thống của làng cổ |
Khu trung tâm của Đường Lâm là đình Mông Phụ. Đây là công trình cổ tiêu biểu của nông thôn Bắc Bộ được xây dựng từ năm 1684. Có diện tích 1.800m2, đình được đặt tại khu đất cao nhất trong làng với mặt tiền hướng về phía tây nam. Năm 1984, đình Mông Phụ được Bộ Thông tin - Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đình Mông Phụ |
Đặc biệt, làng Đường Lâm có tới 956 ngôi nhà cổ  được xây dựng từ những khối đá ong chắc chắn. Kiến trúc của những ngôi nhà này là nội tự, ngoại khách, tức là sân nhà thấp hơn mặt đường. Do vậy khi trời mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân rồi mới chảy thoát ra đường cống.
Những nhà cổ trả tiền tỷ cũng không mua được
Một trong những ngôi nhà cổ nổi bật nhất là căn nhà bằng gỗ có tuổi đời gần 400 năm thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, với 12 thế hệ đã từng sinh sống. Thời đó, đàn ông trong làng thường phải đào đá ong bằng tay, cắt xén thành các bản vuông để xây dựng ngôi nhà. Căn nhà của ông Hùng với kiến trúc chuẩn mực, bền vững qua hàng trăm năm là minh chứng cho sự khéo léo và tình cảm gắn bó với nền văn hóa của những người dân địa phương.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng |
Ngôi nhà chính được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên, bên cạnh bài trí bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ. Hệ thống cửa chính ngôi nhà được thiết kế để tháo ra vào dễ dàng. Gia chủ cho thiết kế như vậy để phòng khi nhà có việc lớn (cỗ tiệc hiếu, hỉ, giỗ, khao thọ…) thì có thể tháo ra đặt xuống đất thay chiếu và tạo cảm giác thông thoáng trong nhà.
Ngôi nhà phần lớn được xây dựng bằng gỗ nhưng đã bị bào mòn theo thời gian |
Theo ông Hùng, trước khi được công nhận là nhà cổ thì đã có nhiều người tới hỏi mua ngôi nhà với giá hơn 1 tỷ đồng nhưng ông không bán vì muốn giữ lại những nét cổ truyền, văn hóa cho con cháu.
Cổng nhà được làm hoàn toàn bằng đá ong |
Căn nhà của ông Cao Văn Toàn cũng có niên đại hơn 400 năm, 10 thế hệ con cháu đã sống tại đây. Ngôi nhà được coi là một trong những biểu tượng của Đường Lâm, được thiết kế 4 gian giữa và 2 gian buồng 2 bên, kiểu thiết kế đặc trưng của kiến trúc Bắc bộ xưa. Nhiều vật dụng cổ xưa quen thuộc trong sinh hoạt vẫn được gia đình ông Toàn lưu giữ.
Ngôi nhà của ông Cao Văn Toàn được coi là một trong những biểu tượng của Đường Lâm |
Ông Cao Văn Toàn cho biết, căn nhà từng được trả giá trên 10 tỷ nhưng ông không bán. “Đây là ngôi nhà tổ tiên để lại qua nhiều thế hệ cha truyền con nối nên tôi không bao giờ nghĩ tới việc sẽ giao nó cho người chủ nhân khác. Căn nhà không chỉ có những giá trị về vật chất mà với gia đình tôi đó còn là những giá trị không thể thay thế về truyền thống gia đình”, ông Toàn khẳng định.
Gia đình ông Toàn hiện nay có 3 thế hệ đang sống trong nhà cổ |
Nhiều vật dụng cổ xưa quen thuộc trong sinh hoạt vẫn được gia đình ông Toàn lưu giữ |
Hầu hết các ngôi nhà truyền thống tại Đường Lâm đều được trùng tu để đảm bảo cho việc sinh hoạt nhưng ngôi nhà của ông Toàn mọi thứ vẫn được giữ nguyên vẹn. Từ cột gỗ, ngói đỏ, gạch nung, cho tới vách tre… Chính điều này đã làm nên giá trị “vô giá” cho ngôi nhà.