Nằm giữa vịnh Osaka, ngoài khơi bờ biển Honshu, Nhật Bản, sân bay quốc tế Kansai  được biết đến như một trong những cảng hàng không đặc biệt nhất thế giới khi tọa lạc trên một hòn đảo nhân tạo. Ý tưởng táo bạo này được khởi xướng từ thập niên 80 và chính thức khởi công năm 1987, biến điều tưởng chừng như bất khả thi thành hiện thực khi công trình hoàn thành chỉ sau 7 năm xây dựng.
|
Sân bay Kansai nhìn từ trên cao. Ảnh: Kansai Airport |
Để xây dựng một sân bay  trên hòn đảo nhân tạo dài 4.000m và rộng hơn 1.200m, các kỹ sư đã phải xử lý nền đất bồi tích bằng cách rải lớp cát dày 1,5m trên đáy biển và lắp đặt 2,2 triệu ống đứng, mỗi ống có đường kính gần 40cm, đổ đầy cát để gia cố. Tiếp đó, một bức tường bê tông cao 30m, dài 11km được xây dựng trong vòng 3 năm để ngăn nước biển tràn vào. Các kỹ sư và công nhân đã sử dụng 180 triệu m3 đất từ 3 ngọn núi để làm thành tường, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi.
|
Cầu Sky Gate Bridge R kết nối sân bay với đất liền. Ảnh: Kansai Airport |
Thách thức không dừng lại ở đó. Việc kết nối sân bay với đất liền cũng đặt ra một bài toán khó và bài toán này đã được giải quyết bằng việc xây dựng cây cầu Sky Gate Bridge R. Đây là công trình 2 tầng với tầng trên dành cho 6 làn ô tô và tầng dưới dành cho 2 đường tàu với độ cao vừa đủ để không cản trở máy bay cất và hạ cánh.
Sau tổng cộng 10 triệu giờ lao động của 1 triệu công nhân cùng 200 triệu tấn nguyên vật liệu, sân bay Kansai mở cửa vào tháng 9/1994 với tổng chi phí xây dựng khoảng 20 tỷ USD thời điểm bấy giờ.
|
Tầng 1 sân bay Kansai là nơi đón những chuyến bay quốc tế |
|
Tại tầng 1 có sẵn quầy đổi tiền và bán sim cho du khách nước ngoài nhập cảnh |
Kể từ khi đi vào hoạt động, Kansai đã trở thành một trong những sân bay nhộn nhịp nhất Nhật Bản, với hơn 300.000 lượt khách mỗi tuần và đón 55.000 máy bay mỗi năm. Năm 2016, sân bay ghi nhận hơn 26 triệu lượt khách, đưa nơi đây lọt vào top 30 sân bay bận rộn nhất châu Á.
|
Đây là sân bay bận rộn của khu vực châu Á |
|
Tại tầng 2, sân bay Kansai được kết nối với trạm tàu điện |
|
Tầng 2 sân bay Kansai là khu vực ẩm thực và phục vụ các chuyến bay nội địa |
|
Tầng 3 là phòng nghỉ ngơi và phòng cầu nguyện |
Mặc dù các kỹ sư đã dự tính nguy cơ sụt lún và tính toán lượng đất bồi đắp cần thiết cho 50 năm, nhưng thực tế tốc độ sụt lún của công trình đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Chỉ sau 6 năm hoạt động, phần nền của hai hòn đảo nhân tạo đã lún đến mức chỉ còn cách mực nước biển 5m. Hiện tại, sân bay đã chìm hơn 11m và một số chuyên gia ước tính có thể lún thêm 4m nữa vào năm 2056, đưa nhiều khu vực xuống ngang với mực nước biển.
>> Mới nhất về dự án sân bay Long Thành: 3 dự án kết nối cần thêm 'trợ lực' 
|
Sảnh đến trên tầng 4 sân bay |
|
Khu vực tầng 4 phục vụ cho các chuyến bay đi quốc tế |
|
Sân bay Kansai đón hàng chục triệu hành khách mỗi năm |
Phần trung tâm sân bay đang lún nhanh hơn các khu vực khác, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho công trình. Trước tình trạng này, các kỹ sư đã triển khai giải pháp sử dụng kích thủy lực để nâng cột nhà ga hành khách theo từng giai đoạn. Đồng thời, Nhật Bản cũng đã đầu tư 146 triệu USD để nâng cao tường chắn sóng, nhằm giảm thiểu nguy cơ nước biển tràn vào.
|
Một cửa sảnh chờ ra máy bay |
|
Sân bay Kansai có hệ thống tàu điện nối đến các cửa ra máy bay |
|
Một máy bay của hãng hàng không Việt Nam đáp tại sân bay Kansai |
Dù đã có những nỗ lực cứu vãn, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ sụt lún đang gia tăng quá nhanh và nguy cơ chìm hoàn toàn của sân bay Kansai là điều không thể tránh khỏi.
>> Sân bay tại tỉnh hẹp nhất Việt Nam thay đổi quy hoạch, mục tiêu đón 3 triệu hành khách/năm